Hỏi:
Xưa nay khi gặp người đuối nước, nhất là trẻ em, mọi người thường dốc ngược vác trên lưng chạy, tuy nhiên, có người cho rằng cách này khiến nạn nhân thêm nguy kịch, mong bác sĩ giải thích thêm và chỉ dẫn cách sơ cấp cứu chuẩn nhất với trường hợp đuối nước?
Nguyễn Hoài Thanh (Hà Nội)
Ảnh minh họa.
ThS. BS Hoàng Ngọc Cảnh, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương trả lời:
Việc sơ cấp cứu ban đầu cho người đuối nước rất quan trọng. Việc nhiều người có thói quen dốc ngược nạn nhân đuối nước lên vai rồi chạy sẽ làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược hít vào đường thở và làm chậm trễ hồi sức tim phổi (ép tim/thổi ngạt), mất thời gian vàng để cấp cứu, thậm chí gây thêm các tổn thương.
Các bước cấp cứu đuối nước đúng cách được Hội Nhi khoa Việt Nam và Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo áp dụng:
Bước 1: Gọi trợ giúp: Cần nhanh chóng tìm sự trợ giúp của những người xung quanh khi thấy trẻ bị đuối nước bằng cách gọi to, gọi cấp cứu 115.
Bước 2: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước bằng mọi cách. Đây là bước rất quan trọng, có hai phương pháp là cứu đuối gián tiếp và cứu đuối trực tiếp.
- Cứu đuối gián tiếp: Là sử dụng các dụng cụ cứu đuối sẵn có (phao, dây, gậy, quần áo, các vật có thể nổi trên nước…) để cứu người đuối nước khi vẫn còn đang tỉnh.
- Cứu đuối trực tiếp: Là xuống nước, bơi đến cứu nạn nhân; cứu đuối trực tiếp nên dành cho đối tượng cứu hộ chuyên nghiệp, được đào tạo có đủ sức khỏe và năng lực ở thời điểm thực hiện hoặc đối tượng không chuyên có kỹ năng bơi và cứu đuối.
Bước 3: Kiểm tra xem trẻ có thở không và có tỉnh không
Bước 4: Nếu trẻ không thở, hãy bắt đầu hồi sức tim phổi (CPR) ngay.
Bước 5: Sau khi nạn nhân tỉnh, cần đặt nạn nhân ở tư thế an toàn, nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh nguy cơ trẻ bị ngạt thở trở lại. Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm bé sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận