An ninh hình sự

Sổ đỏ giả, làm sao phát hiện?

21/04/2022, 09:43

Công an huyện Phong Điền, TP Cần Thơ vừa khởi tố 1 phụ nữ mang Giấy CNQSDĐ (sổ đỏ) giả đi cầm cố. Làm sao phát hiện sổ đỏ giả?

Nhờ người trên mạng xã hội làm sổ đỏ giả

Sáng 21/4, Công an huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) cho biết vừa khởi tố bị can đối với Bùi Thị Thúy Loan (SN 1981, ngụ xã Trường Long, huyện Phong Điền) điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Loan được tại ngoại điều tra vì đang nuôi con nhỏ.

img

Bùi Thị Thúy Loan tại cơ quan công an.

Tại cơ quan điều tra, Loan khai nhận không có nghề nghiệp ổn định. Do cần tiền tiêu xài, tháng 10/2021, Loan xem thông tin trên mạng xã hội, sau đó nhờ người làm giả sổ đỏ thửa đất của cha ruột sang tên của mình, với giá 75 triệu đồng.

Sau khi có sổ đỏ giả, Loan gặp Nguyễn Hữu Hậu (SN 1984, ngụ tỉnh Tiền Giang) thỏa thuận vay tiền. Hậu yêu cầu phải có tài sản đảm bảo và hợp thức hóa bằng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên.

Ngày 3/3, Loan đã nhận chuyển khoản từ Hậu với số tiền 267 triệu đồng. Tuy nhiên, quá trình làm thủ tục chuyển nhượng, Phòng Công chứng nghi ngờ sổ đỏ là giả nên yêu cầu Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Phong Điền cung cấp thông tin.

Sau khi kiểm tra, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Phong Điền xác định thông tin thửa đất do Loan đứng tên không có trong hồ sơ lưu trữ, nghi giả mạo nên đã báo cơ quan điều tra.

Quá trình điều tra, Loan thừa nhận hành vi phạm tội. Còn theo trình bày của Hậu, việc cho Loan mượn tiền là do người quen giới thiệu. Sau khi xem sổ đỏ (sau này xác định là giả) và đã đến xem đất, Hậu nghĩ rằng Loan có tài sản nên đồng ý cho vay tiền.

Công an huyện Phong Điền đã áp dụng lệnh phong tỏa tài khoản ngân hàng, kịp thời ngăn chặn việc Loan sử dụng số tiền vừa chiếm đoạt.

Cách phát hiện sổ đỏ giả

Ngày 10/12/2009, Nghị định 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực đã quy định thống nhất sổ đỏ và sổ hồng thành một loại giấy chung có tên gọi: Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Do đó, để nhận diện sổ đỏ/- sổ hồng (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở) là thật hay giả, chúng ta cần lưu ý những điểm sau. Thứ nhất, cần kiểm tra mẫu Giấy chứng nhận theo quy định tại Thông tư 23/2014/TT TT-BTNMT.

Giấy chứng nhận gồm 1 tờ có 4 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen (được gọi là phôi Giấy chứng nhận) và trang bổ sung nền trắng, mỗi trang có kích thước 190mm x 265mm, bao gồm các nội dung:

Cả 4 trang, nếu được làm giả sẽ giống y như thật với Quốc hiệu, Quốc huy và dòng chữ "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" in màu đỏ, tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 2 chữ cái tiếng Việt và 6 chữ số, được in màu đen; dấu nổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường…

img

img

Sổ đỏ giả (ảnh trên) sẽ mờ hơn khi soi bằng kính lúp, so với sổ đỏ thật (ảnh dưới).

Tuy nhiên, sổ đỏ thật được in bằng phương pháp in offset với màu mực rất đều và sắc nét. Với sổ giả, các chi tiết in không sắc nét, nếu soi kỹ chi tiết thì nét mực có màu khác nhau, họa tiết không có các tổ hợp chấm mực hồng như sổ thật.

Hoặc mọi người có thể dùng đèn pin chiếu một góc 10-20 độ vào mặt giấy ở góc dưới bên phải mặt trước của sổ (trang 1). Vị trí này có mã số hiệu được đóng hoặc in vào chính giữa dấu nổi. Nếu là sổ đỏ giả thì các chi tiết lõm và không rõ nội dung. Ngược lại, nếu là sổ đỏ thật thì mã số hiệu sẽ đóng trùng khớp với hình dấu nổi, các chi tiết lồi và rõ nội dung.

Đồng thời, có thể kiểm tra phôi in sổ. Cách kiểm tra này chỉ thích hợp đối với những cuốn sổ được làm từ phôi giả và được in bằng laze. Việc in sổ giả được kẻ gian thực hiện bằng cách scan sổ gốc, in ra 2 mặt rồi tiến hành dán lại.

Việc in 2 mặt trên cùng một phôi rất khó để canh đều, khi dán 2 mặt của một cuốn sổ lại với nhau rất dễ để lại dấu vết nên kẻ gian thường đem ép plastic.

Do vậy, hãy cẩn trọng với những sổ đỏ được ép plastic. Nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy sổ giả không có phần in nổi.Đối với những sổ có nhiều trang, bạn cần xem kỹ dấu giáp lai của các trang với sổ gốc, kiểm tra xem sổ có bị tẩy xóa hay không.

Nếu quyển sổ này được thế chấp nhiều lần thì phải kiểm tra kỹ dấu mộc, chữ ký của Văn phòng công chứng hoặc của Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Và cẩn thận nhất là đến cơ quan có thẩm quyền là Văn phòng Đăng ký đất đai tại địa phương để kiểm tra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.