Hạ tầng

Sở GTVT Gia Lai nói gì về đường HCM tránh Pleiku xảy ra một số hư hỏng?

31/05/2019, 15:14

Sở GTVT tỉnh Gia Lai đang yêu cầu đơn vị thi công sớm hoàn thiện một số hạng mục bị hỏng do mưa trên đường HCM tuyến tránh Pleiku.

img
Cầu Ia Tên.

Xuất hiện hư hỏng trên tuyến

Tính đến tháng 5/2019, tuyến đường Hồ Chí Minh tránh TP. Pleiku (Gia Lai) cơ bản được hoàn thành, tuy nhiên chưa chính thức bàn giao đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư đang đôn đốc nhà thầu khẩn trương hoàn thiện hiện trường và các thủ tục để mời HĐNTNN kiểm tra công tác nghiệm thu, chấp thuận đưa công trình vào sử dụng theo quy định.

Sau khi những trận mưa đầu mùa làm ảnh hưởng đến công trình, Sở đã chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương tiến hành khắc phục các vị trí hư hỏng đảm bảo chất lượng công trình; nhanh chóng trồng cỏ gia cố mái taluy hai bên đường để chống xói mòn, sụt trượt.

Còn về chất lượng công trình, ông Sơn khẳng định đây là công trình có tầm quan trọng trong bối cảnh quy hoạch tuyến đường cao tốc nên việc thi công, giám sát thi công được thực hiện rất nghiêm ngặt theo các quy chuẩn chất lượng công trình giao thông.

Trong quá trình triển khai dự án, Bộ GTVT thường xuyên quan tâm kiểm tra công tác quản lý chất lượng của dự án.

Ôngng Nguyễn Trường Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai

Theo đó, tuyến đường có chiều dài hơn 30km, quy mô giai đoạn phân kỳ là đường cấp IV, vận tốc thiết kế 60 - 80 km/h, bề rộng nền đường 9m, gồm 2 làn xe cơ giới. Riêng các yếu tố về bình diện tuyến được xem xét áp dụng theo quy mô đường cao tốc để có thể tận dụng tối đa khi nâng cấp, mở rộng theo quy mô, quy hoạch trong tương lai.

Thời gian vừa qua, tại Gia Lai xảy ra nhiều trận mưa đầu mùa. Một số vị trí trên tuyến đường này đã xảy ra hư hỏng cục bộ các hạng mục phụ của công trình do nhà thầu đang triển khai hoàn thiện như: nước xói tạo rãnh ở taluy; xói đường dẫn thoát nước vị trí cầu, cống làm ảnh hưởng đến mỹ quan của công trình.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện phòng Quản lý chất lượng công trình, Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, dự án đường Hồ Chí Minh, tuyến tránh TP Pleiku đang trong thời gian hoàn thiện để mời Hội đồng nghiệm thu nhà nước kiểm tra để đưa vào sử dụng. Dự án này là tuyến mở mới hoàn toàn, để đảm bảo các yếu tố theo tiêu chuẩn kỹ thuật nhiều vị trí trên tuyến phải đào rất sâu và đắp rất cao.

Tháng 4/2019, trên địa bàn Gia Lai gặp hạn, một số vị trí đã trồng cỏ gia cố mái ta luy, cỏ bị chết không phát huy được tác dụng chống xói cần phải hoàn thiện lại. Vì thế nên khi đến tháng 5/2019, những trận mưa dông lớn đầu mùa, một số vị trí hạng mục phụ công trình trên tuyến đang trong giai đoạn hoàn thiện đã bị hư hỏng cục bộ (như tại các cầu Ia Tên, Ia Ey).

Liên quan đến các tấm đan tại các điểm giao cắt với các đường giao dân sinh, đường giao thông nông thôn và một số vị trí rãnh thoát nước bị hư hỏng, phòng Quản lý chất lượng công trình, Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, tại các vị trí giao cắt, các tấm đan lắp đặt tại cống qua đường được thiết kế với tải trọng khai thác phù hợp với đường dân sinh, đường giao thông nông thôn.

Hiện qua quan sát trên tuyến, có những tuyến đường dân sinh lưu lượng xe cộ qua lại rất nhiều, trong đó có nhiều xe tải lớn chở hàng nông sản, phân bón và các loại hàng hóa khác, xe chở vật liệu…làm nứt vỡ, hư hỏng các tấm đan.

Chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu rà soát toàn bộ các vị trí hư hỏng để thay thế hoàn thiện (kinh phí do đơn vị thi công tự bố trí). Bên cạnh đó, việc người dân tự mở lối đi từ đường Hồ Chí Minh sang khu đất đang canh tác và đưa xe có trọng tải là nguyên nhân khiến một số vị trí rãnh thoát nước bị hỏng.

Lo ngại cầu mất an toàn?

Về việc có thông tin cho rằng cầu Ia Tên đang có dấu hiệu thi công không đảm bảo. Cụ thể, trụ chính của cây cầu không có bệ đỡ bằng bê tông đắp nổi như thường thấy, chiếc trụ được cắm chơi vơi giữa một mô đất đang bị sạt lở. Trong khi đó, phía dưới là một con suối đang xâm lấn đất xung quanh trụ cầu, chỉ cần một cơn mưa lớn thì đất xung quanh trụ cầu có thể bị cuốn trôi hết.

Tuy nhiên, ông NguyễnTrường Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai khẳng định, có thể người dân qua quan sát trực quan và chưa hiểu đúng về kỹ thuật, nên chỉ nhìn được bề nổi nên nghi ngờ.

Thực tế, cầu Ia Tên được thiết kế là cầu vượt địa hình với khu vực tại cầu là khe suối rất sâu, lòng cầu được thanh thải để đảm bảo thoát nước theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt. Các trụ cầu này đều được thi công rất chắc chắn, móng mỗi trụ đều được thi công theo thiết kế là móng cọc khoan nhồi đường kính 1m với 5 cọc, chiều dài mỗi cọc khoảng 20m sâu vào lòng đất, ngàm vào tầng đá.

Còn phần mô đất đang bị sạt lở nằm trên nón đầu cầu là phần đất được nhà thầu đắp để phục vụ cho biện pháp thi công cầu, trong quá trình thanh thải dòng chảy còn sót lại", ông Sơn nói và cho biết thêm, phần đất này còn có tác dụng bảo vệ phần nón cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.