Tại cuộc họp báo tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội TP.HCM những tháng đầu năm 2019, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, Đề án cấm xe máy vào trung tâm chỉ là một trong các giải pháp để giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông.
Theo ông Lâm, việc cấm xe máy vào nội thành chỉ là một trong những giải pháp của Đề án, được xây dựng dựa trên cơ sở Nghị quyết 16 CP, mới đây là Nghị Quyết 12 của CP và Nghị quyết của Thành Ủy về việc giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông. Trong đó, có đặt ra vấn đề nghiên cứu để xây dựng lộ trình và giải pháp phù hợp tăng cường vận tải giao thông công cộng. Đồng thời, có giải pháp hợp lý để kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân.
Mục tiêu cao nhất của dự án này là giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông và người dân đi lại thuận tiện. Đề án đã được điều tra xã hội học, nghiên cứu một cách cẩn trọng. Hiện nay, đề án đang được lấy ý kiến của các chuyên gia, cơ quan chức năng… Sau phản biện, tư vấn sẽ hoàn chỉnh để báo cáo lên cấp thẩm quyền thông qua.
“Về cách làm, chúng tôi đã thận trọng nghiên cứu và xây dựng lộ trình. Nhưng điều kiện cần và đủ là khi giao thông công cộng đáp ứng được và đối với khu vực hạ tầng đã phát triển đủ thoáng mát, các điều kiện và người dân tiếp cận được để thay thế vì có sự lựa chọn thuận lợi hơn thì lúc này chúng ta mới tổ chức lại giao thông theo hướng kiểm soát giao thông cá nhân. Cách làm là thí điểm ở khu vực nhỏ, hạn chế và thỏa mãn các điều kiện nêu trên. Trên cơ sở đó, chúng ta đánh giá, đạt được sự đồng thuận của người dân thì xây dựng kế hoạch tổng thể. Kế hoạch tổng thể này gắn với kế hoạch chung giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Nhóm các giải pháp khác như hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, quy hoạch, phát triển hệ thống hạ tầng, quản lý tốt năng lực hạ tầng hiện hữu, vấn đề xử phạt, tuyên truyền... Và đây cũng chỉ là một trong các nhánh của tổng thể chương trình đề án”, ông Lâm cho biết.
Về vấn đề này ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP lưu ý, đề án mới đến giai đoạn Sở GTVT đang xem xét và đưa ra lấy ý kiến của các cơ quan chức năng, chuyên gia. Việc lấy ý kiến là cần thiết và phản biện khác nhau là cần thiết. Chúng ta tiếp thu hết mọi ý kiến để hoàn thiện đề án.
“Tuy nhiên giải pháp không thiếu, thậm chí các đề án rất đầy đủ, toàn diện nhưng khi đưa ra bàn luận thì nhiều người đứng trên quan điểm khác nhau, khía cạnh khác nhau cho ra suy nghĩ không giống nhau. Đây cũng là thách thức để nhà quản lý làm sao dung nạp các ý kiến đó và cho ra một đề xuất có tính khả thi”, ông Hoan nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận