Một hình ảnh phục dựng hoa văn cổ. |
Dự án hoa văn Đại Việt - sưu tập, khôi phục lại các hoa văn cổ của người Việt lần đầu được ra mắt đã tạo điều kiện cho giới trẻ được tiếp xúc gần hơn, nhiều hơn với văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ.
Giúp văn hóa truyền thống gắn bó hơn với đời thường
Cách đây hai năm, bộ phim Phật hoàng Trần Nhân Tông của đạo diễn, NSƯT Nguyễn Văn Lượng thực hiện đã hợp tác với nhóm Đại Việt Cổ Phong, nhóm quy tụ những bạn trẻ yêu thích lịch sử, để thực hiện các bộ trang phục cổ trang thời Trần. Và lập tức, ý tưởng thực hiện dự án hoa văn Đại Việt đã đến sau khi nhóm gặp những khó khăn trong việc tìm kiếm, thu thập các mẫu hoa văn, họa tiết cổ.
Không chờ ngân sách từ Nhà nước hay các nhà đầu tư, nhóm Đại Việt Cổ Phong và Comicola bắt tay thực hiện nghiên cứu, sưu tập, số hóa các hoa văn cổ của người Việt suốt hai năm qua. Các thành viên trong nhóm đã lặn lội đi khắp nơi tìm kiếm, chụp hình, thu thập các họa tiết trên các di sản tại những bảo tàng, đình, chùa, lăng, Hoàng thành Thăng Long, Cung đình Huế...
Xem thêm video:
Họa sĩ Cù Minh Khôi (Chi hội trưởng nhóm Đại Việt Cổ Phong tại miền Bắc) cho biết, quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn. Trải qua một thời gian dài, nhiều chi tiết ở các hiện vật đã bị mất đi so với nguyên bản, do bị rạn nứt, phong hóa… Khi phục dựng hoa văn “Bảo tướng”, phần còn lại khá mờ nhạt gây khó khăn, các thành viên đã liên tưởng tới mối quan hệ của Tam giáo đồng nguyên và dần dần phục dựng lại hoa văn độc đáo này thông qua các họa tiết của hoa sen, hoa cúc, hoa mẫu đơn. Nhưng với sự nỗ lực bền bỉ và tình yêu với văn hóa truyền thống, các bạn trẻ đã khiến nhiều người bất ngờ khi hoàn thiện thành công dự án số hóa 250 hoa văn cổ tiêu biểu và đẹp nhất của người Việt. Trong đó, có những họa tiết hoa văn rồng, phượng, tứ linh, hoa lá của các thời Lý, Trần, Lê Sơ, Nguyễn đều được phục chế lại bằng công nghệ vector. Đặc biệt, bộ vector hoa văn của dự án này sẽ được cung cấp miễn phí cho cộng đồng sáng tạo Việt Nam.
Họa sĩ Cù Minh Khôi chia sẻ, dự án nhằm xây dựng một thư viện hoa văn cổ dành cho những người làm thiết kế, sáng tạo có nhu cầu sử dụng trong trang phục, kiến trúc, hội họa… Đồng thời, hướng tới những tác phẩm mang tầm vóc, đặc trưng văn hóa Việt. Những người làm thiết kế, họa sĩ ở Việt Nam hiện tại rất khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn tư liệu văn hóa, mỹ thuật truyền thống.
Ông Đặng Xuân Khuê (Giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội) nhìn nhận, dự án này giúp văn hóa truyền thống gắn bó hơn với đời thường. “Trước nay, những hoa văn chỉ được ứng dụng ở đình đền, trang phục thuần túy. Nhưng với công nghệ ngày càng hiện đại, rất nhiều sản phẩm từ khuy áo, cà vạt, móc chìa khóa… đều có thể mang hoa văn truyền thống. Đó là ứng dụng rất thực tế”, ông Khuê chia sẻ.
“Đừng nhìn bằng ánh mắt tiêu cực”
Hình ảnh phục dựng hoa văn cổ. |
Đó là chia sẻ của nhà sử học Dương Trung Quốc khi nói về Dự án hoa văn Đại Việt. Ông đánh giá cao tinh thần cầu thị, yêu văn hóa của những bạn trẻ đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để khôi phục các hoa văn cổ của người Việt, nghiên cứu và đưa vào thực tế đời sống. Những hoạt động này không chỉ thu thập, đóng góp về chuyên môn mà còn giúp mọi người tiếp cận, yêu văn hóa truyền thống hơn.
Tuy nhiên, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, việc sưu tập và phục chế các hoa văn là vấn đề khoa học, đòi hỏi sự nghiêm túc và nhiều vấn đề khác. Do đó, cần phải có một quá trình dài nghiên cứu, tìm hiểu một cách hệ thống, cũng như có sự chung sức của các nhà nghiên cứu nhiều kinh nghiệm đi trước, những nhà chuyên môn và các cơ quan chức năng, doanh nghiệp.
“Phần lớn các bạn là những người không chuyên nghiệp, nên sản phẩm có thể bộc lộ khiếm khuyết. Nhưng tôi nghĩ cách làm của họ rất đáng hoan nghênh và tích cực. Tôi không nghi ngờ về trí tuệ, sự nhiệt tình của họ. Các bạn có thể đi ghi chép, sao chụp rồi dùng công nghệ hiện đại để dựng lại, nhưng để tiếp cận được giá trị mà nó chứa đựng yếu tố khoa học thì phải đi sâu hơn”, ông Dương Trung Quốc nhận xét.
Đặc biệt, nhà sử học nhấn mạnh, mọi người không nên có những cái nhìn quá tiêu cực và soi mói các hoa văn, rồi đánh giá thiếu thiện chí và nâng tầm thành ý thức dân tộc. “Hãy cầu thị với người làm để chúng ta dần tới cái tốt đẹp nhất. Trừ những hoa văn ở di tích thì thuộc chuẩn mực, những hoa văn đưa vào ứng dụng trong đời sống có thể du di”, ông nói thêm.
Còn đối với TS. Trần Trọng Dương (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), hoa văn Đại Việt là một trong những sản phẩm anh đã chờ đợi hơn 10 năm nay, bộ sưu tập hoa văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam dựa trên các hiện vật của mỹ thuật cổ truyền. “Dự án này được vẽ lại trên các hình rồng, phượng, lân nằm tại các di tích của người Việt. Tôi nghĩ nếu ai đó nghi ngờ các họa tiết giống Trung Quốc, Nhật Bản… thì mọi người nên hiểu, mọi yếu tố của nền văn hóa nào đó đều nằm trong bối cảnh khu vực”, anh chia sẻ.
TS. Trần Trọng Dương cũng đánh giá, những hoa văn được phục dựng còn những vấn đề về kỹ thuật khi vẽ lại bằng máy. Vì để vẽ được một đồ án trang trí theo đúng hiện vật cổ, người vẽ phải cực kỳ giỏi về kỹ thuật, kỹ pháp đồ họa. Trong khi đó, dự án này tận dụng các bạn trẻ giỏi vi tính, vẽ bằng máy móc. Điều này mang tới tỷ lệ chính xác tuyệt đối, nhưng chưa có hồn và không sống động như vẽ bằng tay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận