Tự học từ xa trước khi lên lớp
Những năm qua, trường Đại học Hàng hải Việt Nam đang từng bước áp dụng công nghệ số trong các quy trình đào tạo, huấn luyện, quản lý đào tạo, huấn luyện và hỗ trợ giảng viên, sinh viên.
PGS.TS. Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng trường Đại học Hàng hải Việt Nam chia sẻ, trường đã tự phát triển hệ thống phần mềm quản lý từ khâu tuyển sinh đến đào tạo, lưu trữ kết quả đào tạo.
Đại học Hàng hải VN trang bị phòng mô phỏng cho các sinh viên ngành đi biển thực hành
Hệ thống quản lý học tập, huấn luyện cũng được nâng cấp, xây dựng nguồn học liệu số cho đào tạo thuyền viên để họ có thể chủ động tự học, học từ xa một số nội dung trước khi về trường thi và hoàn thành các nội dung còn lại.
Trong khi đó, trường Cao đẳng Bách nghệ Hải Phòng với đặc thù đào tạo sơ cấp, đa số học viên của trường được dạy theo kiểu “cầm tay chỉ việc”.
Ông Phạm Văn Phước, Trưởng phòng Khoa học công nghệ cho biết, nhà trường có đầy đủ trang thiết bị công nghệ, buồng mô phỏng cho học viên thực hành.
“Quan trọng nhất là các phần mềm cho thuyền viên thực hành, làm quen trước khi lên tàu. Ngoài ra, thuyền viên muốn học lên Sỹ quan có thể được cấp giáo án điện tử, các giáo trình điện tử để có thể tự học, không cần lên lớp”, ông Phước nói.
Theo tìm hiểu, Cục Hàng hải VN đã và đang xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thuyền viên, đồng thời kiểm tra, đánh giá các cơ sở đào tạo, huấn luyện, cơ sở tuyển dụng và cung ứng thuyền viên, bảo đảm nguyên tắc cơ sở nào đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn mới được tiến hành đào tạo, huấn luyện.
Trang thiết bị phục vụ giảng dạy và thực hành cho học viên của các cơ sở cũng ngày càng được chú trọng đầu tư như các hệ thống mô phỏng hải đồ điện tử, mô phỏng tàu chở dầu, tàu chở hóa chất, tàu chở khí hóa lỏng, xuồng cứu sinh tự phóng…giúp dần nâng cao chất lượng đào tạo, gắn với thực tế công việc.
Cần cơ chế giám sát chặt chẽ
Ngành Hàng hải đang từng bước chuyển đổi công nghệ số trong đào tạo thuyền viên, song vẫn phải kết hợp học trực tiếp
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đại Hải, Phó giám đốc CTCP Vận tải biển Tân Cảng cho hay, thông tin liên lạc trên các tàu biển hiện nay rất tốt.
Thuyền viên có thể dùng điện thoại thông minh, truy cập internet dù ở giữa biển khơi. Điều này hoàn toàn đáp ứng việc kết nối, học trực tuyến với các giảng viên và tiếp cận được các bài giảng, đồng thời góp phần giải quyết bài toán nâng cấp đội ngũ thuyền viên.
Ông Hải phân tích, khi đào tạo từ xa, những thuyền viên tham gia học sẽ có môi trường thực tập thực tế, kết hợp “học và hành”. Trong quá trình học, thuyền viên có thể đặt câu hỏi và người giảng dạy sẽ trả lời trực tuyến.
“Đa số thuyền viên học đại học xong đi tàu khoảng 4 - 5 năm sẽ lên bờ tìm công việc khác hoặc làm quản lý. Thuyền viên làm việc trên tàu chủ yếu học cao đẳng hoặc trung cấp, sơ cấp. Nếu có các cơ chế, chính sách cho giải pháp đào tạo từ xa, sẽ thuận tiện hơn cho các thuyền viên khi đang làm việc trên tàu”, ông Hải nhìn nhận.
Thừa nhận việc đổi mới phương pháp đào tạo, huấn luyện, ứng dụng công nghệ số để tạo điều kiện thuận lợi cho các thuyền viên học tập mà không ảnh hưởng nhiều đến công việc và các chủ tàu không bị thiếu hụt lao động, TS. Phạm Xuân Dương vẫn băn khoăn: Để việc đào tạo đảm bảo hiệu quả, các cơ sở đào tạo cần xây dựng và vận hành những chương trình đào tạo, huấn luyện một cách khoa học, chặt chẽ.
Các cơ sở cũng cần đầu tư nhiều công sức xây dựng nguồn học liệu số phù hợp. Phía học viên cũng cần được trang bị các kỹ năng và rèn luyện tính tự giác để có thể tự học thông quan các phần mềm, bài giảng điện tử hay học online.
“Đặc thù của ngành Hàng hải là kỹ năng làm việc thực tế, việc học, thực hành, thực tập, huấn luyện trên mô phỏng trực tiếp tại cơ sở đào tạo là hết sức quan trọng, không thể thay thế. Do đó, mô hình phù hợp là phải kết hợp giữa học từ xa với học trực tiếp tại trường. Trong đó việc kiểm tra, đánh giá kết thúc khóa học cần bắt buộc thực hiện trực tiếp tại cơ sở đào tạo”, ông Dương nói và nhấn mạnh: Cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ quá trình đào tạo và tổ chức thi, đảm bảo công bằng, nghiêm túc. Bộ GTVT cũng có thể xây dựng các trung tâm sát hạch để làm công tác kiểm soát chất lượng đầu ra này.
Đồng quan điểm, ông Bùi Duy Tùng (Cục Hàng hải VN) thông tin hiện nay, chương trình đào tạo từ xa và học trực tuyến toàn phần chưa được Công ước STCW 1978/2010 thừa nhận.
Bởi thực tế với đào tạo nghề đi biển, nhiều môn học có thực hành trên máy sống, nhưng cũng nhiều môn buộc phải có các dụng cụ học tập, thực hành. Việc thi cử cũng không thể tiến hành 100% trực tuyến.
Hiện nay, Cục Hàng hải VN đã tiến hành sửa đổi, bổ sung các chương trình đào tạo thuyền viên theo đúng yêu cầu của Công ước STCW 1978/2010 và các chương trình mẫu của IMO nhằm đào tạo đội ngũ nhân lực hàng hải chất lượng cao để phục vụ cho ngành Hàng hải trong nước và xuất khẩu thuyền viên.
Hiện nay, đội ngũ thuyền viên Việt Nam được đào tạo, huấn luyện chủ yếu tại các cơ sở, đào tạo, huấn luyện như Đại học Hàng hải Việt Nam, Đại học GTVT TP.HCM, Cao đẳng Hàng hải I, Cao đẳng Duyên hải Hải Phòng, Cao đẳng Hàng hải II, Cao đẳng Bách nghệ Hải Phòng, Cao đẳng GTVT đường thuỷ II… Từ tháng 1/2017 - 12/2021, các cơ sở đã đào tạo được 4.525 sỹ quan vận hành; 3.873 sỹ quan quản lý; 2.522 thuyền trưởng, máy trưởng và 99 sỹ quan kỹ thuật điện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận