Với hệ thống quản trị hàng hóa qua mạng của đường sắt, khách hàng không còn “thấp thỏm” vì không biết hàng của mình đang “lang thang” ở đâu, khi nào về đến ga - Ảnh: Internet |
Ngồi nhà tra cứu mọi thông tin hàng hóa
Ông Tô Thành Tú, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và vận tải Minh Thành Phát chia sẻ, trước đây, tàu chuyên tuyến cố định hành trình như tàu khách, giờ xuất phát, giờ đến công bố trước còn biết một chút thông tin hàng mình đi đến đâu. Còn đi tàu thường có hỏi cũng mất vài ba ngày đường sắt mới trả lời được. “Thành ra, chúng tôi không chủ động được kế hoạch xếp dỡ, đưa hàng. Cùng đó, việc xin xe xếp hàng những lúc cao điểm rất khó khăn và phải chờ đợi rất lâu”, ông Tú nói.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Phan Quốc Anh thừa nhận, đây đúng là thực trạng chung của vận tải hàng hóa đường sắt nhiều năm qua. Điều này khiến chất lượng dịch vụ thấp, khách hàng chán bỏ đi đường bộ hoặc đường biển. Trước thực trạng này, đường sắt đang phối hợp với FPT thử nghiệm hệ thống quản trị hàng hóa qua mạng nhằm công khai, minh bạch thông tin với khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ.
“Tiêu chí đầu tiên khi xây dựng hệ thống là theo dõi và quản lý được vị trí tức thời toa xe trên toàn mạng lưới đường sắt. Đồng thời, phải thống kê được lịch sử vị trí, di chuyển của toa xe trong mọi thời điểm. Do đó, khách hàng hoàn toàn có thể xác định được hàng hóa đang chở trên toa xe ở đâu, đang di chuyển thế nào”.
Giải thích rõ hơn, ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Giải pháp dịch vụ vận tải hành khách (Công ty Giải pháp công nghệ FPT) cho biết, toa xe chở hàng nối theo tàu tại ga xuất phát không phải đi suốt đến ga mà suốt dọc đường còn bị cắt, nối vào các đoàn tàu khác tại các ga dọc đường. Trong khi đó, công tác nội nghiệp vận tải hàng hóa đường sắt hiện làm thủ công, gần như toàn bộ bằng sổ sách. Vì vậy, để có thể tra tìm hàng ở đâu, ga hoặc bộ phận kinh doanh phải gọi điện hỏi điều độ. Điều độ tra lại tra “đường đi” của toa xe theo số hiệu, mác tàu cụ thể từ sổ sách, từ thông tin ở các ga dọc đường. Lòng vòng như vậy phải mất vài ba ngày mới có thông tin trả lời khách hàng.
Minh bạch, hạn chế tiêu cực
Chia sẻ về việc làm này, ông Nguyễn Hồng Quân, Phó giám đốc Trung tâm kinh doanh vận tải đường sắt Giáp Bát cho biết, nhân viên kinh doanh cũng như người điều hành có thể vào hệ thống để soi được toàn bộ trạng thái thương vụ toa xe (chở hàng hay rỗng, đang chờ dỡ hay chờ xếp, đang dỡ thì bao giờ xong để có thể tiếp tục xếp hàng). Cùng đó, các trạng thái kĩ thuật toa xe (đang vận dụng tốt hay hỏng, đang sửa chữa, sắp tới hạn bảo dưỡng định kỳ chưa) trên toàn mạng lưới cũng như tại ga cũng được cập nhật đầy đủ. Vì vậy, khi khách hàng có nhu cầu, có thể nhanh chóng trả lời có toa xe cấp cho khách hàng hay không, loại xe gì, bao giờ có.
"Hệ thống số hóa toàn bộ tác nghiệp vận tải đường sắt đang làm thủ công. Tất cả các chức danh tham gia vào quá trình vận tải, ai làm gì đều phải khai báo trên hệ thống và chỉ có một nền tảng thông tin chung cho tất cả mọi người cùng sử dụng, khai thác. Vì vậy, ai có tài khoản đều có thể truy cập. Tới đây, chúng tôi sẽ xây dựng tính năng chủ hàng tự tra tìm vị trí hàng qua số hóa đơn gửi hàng. Bước tiếp theo là xây dựng hóa đơn điện tử. Với tính năng này, chủ hàng hoàn toàn có thể giao dịch với đường sắt qua mạng, email mà không cần đến trực tiếp”. Ông Bùi Thanh Bình |
“Thực ra câu chuyện tiêu cực chính là việc o bế thông tin. Chẳng hạn cùng lúc có 2-3 chủ hàng cùng muốn được cấp xe để vận chuyển, đương nhiên anh nào có thông tin về xe sẽ nắm quyền. Sẽ có người biết xe đó ở đâu nhưng không báo, giữ lại, hai ngày nữa mới báo là có xe để cho khách của mình xếp hàng, hoặc ưu tiên cấp xe cho chủ hàng nào chịu trả thêm “phí”. Nếu hệ thống minh bạch, không thể giấu thông tin đó được nữa. Điều này chắc chắn hạn chế tiêu cực trong vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt”, Bình nói.
Cũng liên quan đến các tính năng trong quản trị, ông Bình cho biết thêm, qua hệ thống này, sẽ tính được cụ thể hệ số sử dụng, thời gian quay vòng toa xe, hệ số điều rỗng. Đây là những thông số quan trọng cung cấp thông tin tức thời, giúp cho lãnh đạo đường sắt cũng như các công ty vận tải ra các quyết định điều hành chính xác, nhanh chóng để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp vận tải khác.
Phó giám đốc Trung tâm Kinh doanh vận tải đường sắt Giáp Bát Nguyễn Hồng Quân cũng chia sẻ: “Là đơn vị kinh doanh vận tải, trực tiếp giao dịch với khách hàng, việc áp dụng hệ thống quản trị hàng hóa sẽ tạo thuận lợi rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Dù đang thử nghiệm, nhưng bất kỳ khách hàng nào yêu cầu thông tin về vị trí hàng, dự kiến thời gian đến ga, chúng tôi đều có thể tra thông tin qua các điểm checkpoint (kiểm tra, kiểm soát) hoặc điều độ một cách nhanh chóng để trả lời khách hàng. Việc xin cấp xe cho khách hàng cũng vậy. Khách hàng đều hài lòng hơn trước sự đổi mới này”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận