Kêu gọi các Shark đầu tư 20 tỷ đổi lấy 6% cổ phần
Nêu quan điểm “nếu bạn không tin dùng sản phẩm do bạn làm ra thì đừng nghĩ đến việc bán với người khác”, An Thái Hưng - doanh nghiệp OEM (Original Equipment Manufacturer - nhà máy sản xuất sản phẩm gốc) đã khéo léo khẳng định về năng lực sản xuất của doanh nghiệp mình tại Shark Tank mùa 6.
An Thái Hưng là một trong những doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược, thuận tự nhiên.
Nhà sáng lập Lê Ngọc Huê cho biết, An Thái Hưng đã sản xuất được khoảng 400 sản phẩm, thuộc 5 nhóm sản phẩm gồm tinh dầu; bột hòa tan; hóa – mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe gia đình và trà thảo dược.
Trà thảo dược là nhóm sản phẩm chủ lực của An Thái Hưng và hiện được công ty gia công cho 85 đối tác. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, doanh nghiệp này đã đầu tư xây dựng hai nhà máy với tổng quy mô lên đến hơn 30 nghìn mét vuông.
Tiết lộ về bức tranh tài chính của doanh nghiệp, Ngọc Huê cho biết tổng tài sản công ty là 128 tỷ bao gồm vốn chủ 122 tỷ và vốn vay 6 tỷ. Doanh thu năm 2021 của công ty đạt 25 tỷ, năm 2022 là 46 tỷ và mục tiêu năm 2023 là 80 tỷ doanh thu với lãi ròng đạt 25%. Được biết, 95% doanh thu của An Thái Hưng đến từ mảng gia công.
Thuyết phục Shark về thế mạnh của doanh nghiệp, Ngọc Huê cho biết An Thái Hưng đã tối ưu được chi phí sản xuất khi thiết lập được một quy trình có thể tạo ra 4 dòng sản phẩm. Ngoài ra, công ty anh còn có lợi thế về giá nhân công khi “so với ngay huyện Ninh Giang của Hải Dương đang chênh khoảng 40%”.
Ngọc Huê khẳng định công ty đang có một nền tảng rất vững chắc khi “đã thực hiện một dự án nghiên cứu khoa học cấp quốc gia và 3 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh” và có sự dẫn dắt, cố vấn của một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực dược liệu. Bên cạnh đó, công ty đã phát triển được vùng nguyên liệu ở Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Kạn.
Nhà sáng lập cũng tự tin tại miền Bắc “gần như chưa có đơn vị nào” có mô hình tương tự An Thái Hưng bởi công ty anh đã đầu tư những công nghệ hiện đại như chiết suất bằng chân không, sấy khô ly tâm, hệ thống sấy thăng hoa…
Kêu gọi các Shark đầu tư 20 tỷ đổi lấy 6% cổ phần, Ngọc Huê cho biết vốn đầu tư sẽ được sử dụng cho mục tiêu nghiên cứu và phát triển sản phẩm cho thị trường nước ngoài; đầu tư vào vùng nguyên liệu và marketing, truyền thông.
Shark Hưng chốt deal 5 tỷ cho 5% cổ phần
Giải thích lý do cần đầu tư vào truyền thông, tiếp thị trong khi mô hình kinh doanh của công ty là B2B (Business to Business – Doanh nghiệp bán hàng cho Doanh nghiệp), Ngọc Huê bày tỏ nguyện vọng hỗ trợ đối tác làm marketing bởi “nếu em có năng lực mạnh về marketing truyền thông thì em có thể hỗ trợ các doanh nghiệp đó bán hàng tốt”. Ấp ủ của anh là làm một gameshow (trò chơi truyền hình) lan tỏa những sản phẩm nông nghiệp nhằm thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn hợp tác gia công với mình.
Tuy nhiên Shark Minh Beta cho rằng một công ty sản xuất, đối tác OEM sẽ khó có năng lực "marketing" tốt như chính các đơn vị sở hữu sản phẩm.
Ngoài ra, Shark Minh Beta và Shark Hưng cũng đồng quan điểm về việc không nên sản xuất quá nhiều dòng sản phẩm. Trong khi Shark Hưng đánh giá “lan man quá làm cho chi phí đầu tư máy móc thiết bị công suất vận hành không hiệu quả” thì Shark Minh Beta cảnh báo “đối tác họ nhìn bạn sẽ nghĩ rằng bạn không quá chuyên sâu về một cái gì để có thể hợp tác”.
Trân trọng con đường startup đang đi là khai thác giá trị của các dược liệu quý của Việt Nam nhưng vì không am hiểu về lĩnh vực này nên Shark Minh từ chối đầu tư.
Với khẩu vị đầu tư vào các doanh nghiệp trực tiếp sở hữu "end user"– những người tiêu thụ sản phẩm, Shark Bình nêu quan điểm “sở hữu nhà xưởng sản xuất ra sản phẩm mới là điều kiện cần, nhưng sở hữu khách hàng tiêu thụ sản phẩm mới là điều kiện đủ” và từ chối đầu tư.
Shark Tuệ Lâm và Shark Hùng Anh cũng rời khỏi thương vụ bởi không có kinh nghiệm, sở trường đầu tư vào lĩnh vực này.
Sở hữu một thương hiệu trà Shan tuyết cổ thụ và hướng tới đa dạng hóa sản phẩm để bán đại trà, Shark Hưng thể hiện sự hứng thú với An Thái Hưng.
Nhận định hai bên có thể trở thành đối tác của nhau nhưng đồng thời lo ngại về sự xung đột lợi ích khi vừa là cổ đông vừa là khách hàng, Shark Hưng đề nghị thay đổi cấu trúc deal. Theo đó, ông đề nghị đầu tư 5 tỷ cho 5% cổ phần, 15 tỷ còn lại sẽ đầu tư dưới dạng hợp tác kinh doanh sản phẩm, quy đổi bằng chi phí đặt hàng OEM.
Nhận thấy hệ sinh thái của công ty có nhiều điểm trùng hợp với tập đoàn của Shark Hưng nên Ngọc Huê nhanh chóng chấp nhận đề nghị này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận