Chiều 17/10, tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, bà Tô Thị Kim Thoa - Trưởng phòng Doanh nghiệp, kinh tế tập thể và tư nhân (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) cho biết, TP rất hoan nghênh ý định đầu tư trên địa bàn, đặc biệt với các dự án chỉnh trang đô thị, tạo diện mạo mới cho thành phố.
Theo bà Thoa, vừa qua, Tập đoàn Sun Group có đề xuất một số dự án trên nhiều quận, huyện. Tuy nhiên, nhà đầu tư chưa xác định vị trí, thiếu các thông tin cụ thể về dự án như ranh giới, bản đồ hiện trạng vị trí khu đất, hiện trạng pháp lý khu đất...
TP.HCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản đề nghị Sun Group cần có báo cáo đề xuất từng trường hợp dự án cụ thể để có căn cứ phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, hướng dẫn công ty thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định.
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham mưu UBND TP ban hành danh mục các dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2024-2025. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề nghị Sun Group tham khảo danh mục này trong quá trình nghiên cứu, đề xuất, thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn.
Trước đó, Tập đoàn Sun Group có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về các dự án đang nghiên cứu và kèm theo một số góp ý về ý tưởng cho Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo Sun Group, định hướng tại đồ án quy hoạch chung thành phố, tuyến giao thông ven sông Sài Gòn từ phía bắc Củ Chi đến trung tâm TP.HCM, qua cầu Cần Giờ kết nối với huyện Cần Giờ. Tổng chiều dài toàn tuyến là 78,2km, rộng từ 3-4 làn xe được chia làm 6 phân đoạn.
Tập đoàn Sun Group góp ý, điều chỉnh quy mô lên 8-10 làn xe để góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tạo ra trục giao thông động lực mới ven sông Sài Gòn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Bên cạnh đó, theo đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060, phân đoạn số 6 (tử Vành đai 3 đến cầu Bến Súc) của tuyến đường ven sông Sài Gòn hiện đang kết thúc tại Cầu Bến Súc.
Tập đoàn Sun Group đề xuất bổ sung thành hai hướng kết nối. Bao gồm hướng kết nối tỉnh Bình Dương kết thúc tại cầu Bến Súc (giữ nguyên theo định hướng Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060) kết nối vào đường tỉnh 744 (thuộc Bình Dương).
Đối với hướng kết nối với tỉnh Tây Ninh, Sun Group đề xuất kết nối theo tỉnh lộ 6 (thuộc TP.HCM) hướng về phía Tây Ninh, sau đó kết nối vào đường tỉnh 789 (thuộc tỉnh Tây Ninh).
Ngoài ra, đối với tuyến đường sắt nhẹ (LRT) chạy dọc tuyến đường ven sông Sài Gòn hiện đang dừng tại huyện Củ Chi, Sun Group đề xuất tuyến đường sắt nhẹ bố trí trùng với đường ven sông trên toàn tuyến, bám theo đề xuất kết nối về 2 tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh đã nêu phía trên.
Sun Group nhận định, đường ven sông Sài Gòn sẽ mở ra hướng mới để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo điểm nhấn về cảnh quan sông nước, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Ngoài ra, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường, tạo ra động lực mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.
Đặc biệt, tuyến đường ven sông cũng mang lại ý nghĩa quan trọng trong kết nối liên vùng. Trong đó, đường ven sông Sài Gòn kết nối các trục ngang liên kết với tỉnh Bình Dương qua cầu Phú Long, cầu Phú Cường, cầu Bến Súc tạo một hướng kết nối mới, tăng cường liên kết giữa 2 địa phương, góp phần giảm tải cho QL13, từng bước hoàn thiện giao thông liên vùng.
Ngoài đề xuất trên, Tập đoàn Sun Group cũng đề xuất nghiên cứu một số dự án khác như khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh) rộng 426,9ha, khu đô thị Trường Thọ (TP Thủ Đức) rộng 144,7ha, khu thể thao Rạch Chiếc (TP Thủ Đức) rộng 186ha. Ngoài ra, còn có dự án khu công viên du lịch sinh thái Safari Củ Chi và các khu đô thị dọc sông Sài Gòn (huyện Củ Chi và Hóc Môn)...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận