Ngày 9/4 tới, giải hạng Nhất quốc gia sẽ chính thức khởi tranh. |
Ngày 9/4 tới, giải hạng Nhất quốc gia sẽ chính thức khởi tranh. Tuy nhiên, những thông tin về giải đấu số 2 Việt Nam khá im lìm trên báo chí và cũng chẳng mấy người hâm mộ dành sự quan tâm cho giải đấu này. Hạng Nhất chỉ thực sự nóng vào giai đoạn cuối khi những ứng viên lên hạng lộ diện nhưng cũng từ việc lên hạng chúng ta lại thấy cám cảnh.
Có một thực tế vốn tồn tại nhiều năm nay là hầu hết các đội hạng Nhất đều không muốn lên chơi ở V-League. Lý do ư? Lên V-League đồng nghĩa phải có tiền, thậm chí rất nhiều tiền (theo quy định của VFF, các đội bóng dự V-League phải có 35 tỷ trong tài khoản). Với đại đa số các đội bóng chơi ở giải hạng Nhất, con số trên vượt xa khả năng của họ nên họ sợ. Hơn nữa, dù chi nhiều nhưng thu lại chẳng đáng kể nên các đội bóng tránh là điều đương nhiên.
Nhiều người nói Thừa Thiên - Huế đủ sức Vô địch giải hạng Nhất nhưng đội bóng Cố đô năm nào cũng chỉ kiếm đủ điểm để nằm trong Top đầu chứ nhất định không muốn lên V-League. Đây rõ là nghịch lý, bởi trong bóng đá chuyên nghiệp việc lên - xuống hạng nhằm thúc đẩy sự phát triển của giải đấu. Nếu ai cũng tránh suất lên hạng thì tính cạnh tranh của giải gần như bằng không.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, năm 2015, Đồng Tháp tuy giành quyền lên chơi ở V-League nhưng suýt phải giải thể vì thiếu kinh phí. May sao, sau đó có mạnh thường quân đứng ra giúp đỡ nên Đồng Tháp mới trụ lại được. Nhìn vào tấm gương đó, các đội bóng khác vốn đã ngại lại càng run.
Cũng chẳng thể trách các đội bóng, bởi ở giải hạng Nhất hầu hết các đội bóng đều hoạt động dựa vào ngân sách địa phương. Kinh phí eo hẹp đến mức có đội còn đá với gần 100% quân số đi mượn, tiền lương, tiền thưởng thì nợ triền miên. Hạng Nhất còn như vậy, thử hỏi nếu lên V-League thì sống làm sao?
Nghe đâu, ở giải hạng Nhất năm nay có Nam Định và CLB TP HCM thể hiện quyết tâm lên hạng. Đây là tín hiệu khá lạc quan so với những năm trước. Tuy vậy, chỉ hai đội bóng dám chơi hết mình thì chưa đủ để tạo ra một giải đấu đủ nhiệt chứ chưa dám nói tới hấp dẫn.
Có lần, chuyên gia Trịnh Minh Huế khẳng định, sơ đồ bóng đá Việt Nam giống như “que tăm cắm củ khoai tây”. Cụ thể là, V-League có 14 đội nhưng càng xuống hạng dưới thì số đội càng giảm. Thực trạng này đi ngược với xu thế chung của bóng đá thế giới. Những giải đấu thấp là chân đế, mà chân đế như cái tăm thì sao đỡ nổi V-League.
Cũng vì V-League có số đội bóng nhiều hơn giải hạng Nhất nên mỗi mùa chỉ có 1 cái tên phải xuống hạng và yếu tố cạnh tranh cũng là thứ rất xa xỉ. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng như hiện tại, sẽ rất khó để bóng đá Việt Nam thoát khỏi sức ì, vươn mình mạnh mẽ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận