Các doanh nghiệp trẻ chưa đầy 3 năm tuổi ảnh hưởng nặng nề nhất.
Số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đạt mức kỷ lục
Hôm nay (12/3), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (The World Bank) họp trực tuyến công bố báo cáo "Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam".
Báo cáo được thực hiện qua khảo sát của 10.197 doanh nghiệp trên toàn quốc nhằm cung cấp những góc nhìn cụ thể về ảnh hưởng của Covid-19 và cách thức ứng phó của doanh nghiệp.
Theo đó, kết quả báo cáo cho thấy, năm 2020 là một năm đầy khó khăn khi mà gần 90% doanh nghiệp bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh với nhiều hệ lụy như giảm sút khả năng tiếp cận khách hàng, mất cân bằng về dòng tiền, chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Nhiều doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc, ngừng hoạt động, thậm chí phá sản và đối tượng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp trẻ chưa đầy 3 năm tuổi.
Do tác động của Covid-19, năm 2020 cũng là năm mà mức tăng trưởng GDP của đất nước ở mức thấp nhất, chưa bằng một nửa so với những năm trước đây, và cũng là năm mà số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đạt mức kỷ lục vượt ngưỡng 100 ngàn doanh nghiệp.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy, doanh nghiệp cũng đã thức tỉnh và ngộ ra nhiều điều qua đại dịch.
Đơn cử như việc họ đã suy ngẫm lại chiến lược, phải tái cấu trúc, đào tạo lại nguồn lao động, chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa, xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cũng ứng Việt, đồng thời đã tìm cách đa dạng hoá thị trường tiêu thụ và nguồn cung ứng …Quá trình chuyển đổi số cũng từng bước được triển khai...
Thiếu chính sách kinh tế vĩ mô dài hạn
Qua đánh giá, doanh nghiệp cho rằng, một phần tác động cũng do các chính sách kinh tế vĩ mô trong dài hạn chưa quan tâm phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với người tiêu dùng hình thành các chuỗi cung ứng Việt.
Quan trọng hơn, phần lớn các doanh nghiệp đề nghị cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh.
Tức là, các giải pháp về thuế, phí, hỗ trợ tiếp cận về tài khoá tín dụng có dư địa không nhiều và rất cần phải được gia tốc.
Các doanh nghiệp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật nhằm tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững của các doanh nghiệp trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch toàn cầu Covid-19. Và đó chính là nền tảng căn bản nhất cho sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận