Tính đầu giờ chiều ngày 7/2, theo Cơ quan Khảo sát Khí tượng Mỹ, đã có ít nhất 100 dư chấn từ 4 độ richter trở lên đã xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria kể từ khi trận động đất mạnh 7,8 độ richter làm rung chuyển hai đất nước này sáng 6/2.
Các dư chấn từ 5 độ đến hơn 6 độ vẫn có thể xảy ra tiếp, kéo theo nguy cơ gây thêm tổn thất cho các cấu trúc vốn đã bị hư hại từ trận động đất mạnh trước đó. Đồng nghĩa, mối đe dọa với các đội cứu hộ và những người sống sót vẫn còn.
Dư chấn được cảm nhận trên diện tích rộng hơn 300km dọc khu vực đứt gãy thuộc miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài sang biên giới Syria và qua tỉnh Malatya.
Ảnh chụp từ trên cao cho thấy đội cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn tại một tòa nhà bị sập ở Osmaniye, Thổ Nhĩ Kỳ.
Tính đến 9h30 ngày 7/2, theo giờ VN, số người thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng từ 2.379 người lên 2.921 người – Hãng thông tấn Andalou dẫn báo cáo của Cơ quan Quản lý Thảm họa và Tình huống khẩn cấp cho biết.
Số người thiệt mạng tại Syria vẫn giữ ở mức 1.444, như vậy, tổng số người thiệt mạng tại hai nước Syria và Thổ Nhĩ Kỳ được xác nhận đến thời điểm này là 4.365 người.
Trong khi, chỉ cách đó vài giờ, theo số liệu mới cập nhật tới sáng 7/2 (giờ Việt Nam) do Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ công bố, số người thiệt mạng do động đất tại cả nước này và Syria đã lên tới 3.823 người và gần 14.500 người bị thương và 4.900 ngôi nhà bị phá hủy.
Cơ quan Thăm dò Địa chất Mỹ (USGS) cho biết trận động đất độ lớn 7,8 richter này xảy ra vào khoảng 4h17 ngày 6/2 (giờ địa phương) ở gần tỉnh Gaziantep, Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, với tâm chấn ở độ sâu 17,9 km. Theo Cơ quan Ứng phó thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD), trận động đất có độ lớn 7,4 richter.
Dù tâm chấn động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng khu vực phía Bắc Syria giáp với nơi xảy ra động đất đã bị ảnh hưởng nặng nề. Trong số các thành phố của Syria bị ảnh hưởng có Aleppo và Idlib chứng kiến hàng nghìn ngôi nhà đã đổ sập.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ trú tạm trong lều trại sau trận động đất kinh hoàng
Hiện tại, cơ quan viện trợ của Liên hợp quốc (LHQ) đã đồng loạt triển khai các nỗ lực nhằm giúp đỡ hàng nghìn nạn nhân tại hai quốc gia này.
Tổng Thư ký LHQ António Guterres nêu rõ LHQ cam kết hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực khắc phục hậu quả trận động đất, đồng thời xác nhận các đội cứu trợ của LHQ đã có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để đánh giá nhu cầu cần thiết.
Đồng thời, LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ các nạn nhân trong thảm họa này, Hiện các nhóm y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã sẵn sàng cung cấp các hoạt động chăm sóc và chữa trị cần thiết cho những người bị thương.
Theo thông tin từ LHQ, nhu cầu viện trợ nhân đạo tại miền Bắc Syria là rất lớn, vì hiện nay đã có hàng triệu người vốn rất khó khăn do mất nhà cửa vì cuộc xung đột vũ trang dai dẳng tại nước này.
Liên Hợp Quốc ước tính có 4,1 triệu người, trong đó có nhiều người phải di dời do xung đột và sống trong các lán trại, phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo xuyên biên giới ở Tây Bắc Syria. Các nỗ lực hỗ trợ quốc tế đang bị thiếu kinh phí.
Phát ngôn viên Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết, các cộng đồng người Syria vừa chịu ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch tả, vừa phải hứng chịu các sự kiện mùa đông khắc nghiệt như mưa lớn, tuyết và nay là động đất.
Tuyết rơi và mưa cũng là nguyên nhân gây nhiều khó khăn cho hoạt động của các nhóm cứu hộ - cứu nạn tại các khu vực động đất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận