Thế giới giao thông

Số phận của thủy thủ đoàn tàu Ever Given mắc cạn trên kênh Suez ra sao?

03/04/2021, 08:22

25 người trong thủy thủ đoàn điều khiển tàu Ever Given chưa biết bao giờ cuộc sống của mình mới trở lại bình thường.

img

Siêu tàu container Ever Given bị mắc cạn ở đầu phía Nam kênh đào Suez trong hơn 6 ngày, gây thiệt hại tới hàng tỉ USD

Tàu Ever Given đã được giải cứu cách đây nhiều ngày nhưng chừng nào nguyên nhân dẫn đến sự việc, trách nhiệm, bồi thường vẫn chưa rõ ràng, chừng đó, các thủy thủ đoàn Ấn Độ điều hành tàu Ever Given khi xảy ra sự cố chưa thể trở về với cuộc sống bình thường.

Kể từ đầu tháng 4, một loạt các cuộc điều tra liên quan tới sự cố mắc cạn của tàu Ever Given đã được tiến hành, chưa rõ thời điểm có kết quả cuối cùng.

Chưa kể những cáo buộc, nhận định giữa các bên sau điều tra không trùng khớp với nhau dẫn đến mớ bòng bong tranh cãi pháp lý, có thể kéo dài tới hàng năm.

Do đó, thủy thủ đoàn tham gia điều hành Ever Given có thể bị kẹt ở Ai Cập trong thời gian dài. Họ có thể bị giam lỏng, thậm chí chịu nhiều cáo buộc hình sự liên quan tới việc siêu tàu mắc cạn trong suốt 6 ngày gây thiệt hại hàng tỉ USD, tờ Maritime Executive dẫn thông tin từ báo Times of India cho biết.

Times of India dẫn một nguồn tin trong ngành vận tải Ấn Độ cho rằng: “Rõ ràng, có nguy cơ thủy thủ đoàn sẽ là nạn nhân bị đem ra làm người thế tội”.

Về tình hình sức khỏe của thủy thủ đoàn Ever Given gồm 25 thành viên, người đứng đầu Liên đoàn Thuyền viên Ấn Độ NUSI, ông Abdulgani Serang cho biết: Hiện tại, toàn bộ các thành viên có sức khỏe tốt nhưng rất căng thẳng từ khi tàu mắc cạn.

Nhưng “các thủy thủ sẽ không đơn độc, chúng tôi sẽ ủng hộ họ bất cứ khi nào họ cần trên mọi phương diện”, ông Serang khẳng định.

Nhà điều tra hàng đầu vụ tàu Ever Given mắc cạn của chính phủ Ai Cập, ông Sayed Sheasha cho biết, thuyền trưởng lái Ever Given sẵn sàng hợp tác toàn diện với các cơ quan điều tra.

Trước đây, tại Ai Cập, có nhiều trường hợp thuyền viên trên tàu bị tạm giữ phải chịu cảnh sống không khác nào quản thúc tại gia, có trường hợp kéo dài tới nhiều năm, Liên đoàn Công nhân Giao thông Quốc tế (ITF), cho biết.

Điển hình là trường hợp của ông Mohammad Aisha, thuyền trưởng tàu container Aman từng bị tạm giữ trên tàu tại kênh Suez từ năm 2017 cho đến khi kết thúc quá trình điều tra.

Bốn năm liền, ông Aisha bị buộc phải ở nguyên trên tàu, bị tịch thu hộ chiếu, theo lệnh của một tòa án Ai Cập.

Trong 15 tháng cuối, Aishaở phải ở lại trên tàu một mình, trừ một vài dịp được bơi vào bờ để lấy lương thực và nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.