Thế giới

Số phận Tổng thống Yoon nằm trong tay Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc

14/12/2024, 18:31

Quyết định cuối cùng trong việc liệu có đưa Tổng thống Yoon Suk Yeol ra luận tội hay không hiện nằm trong tay Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc nhưng điều này không hề đơn giản.

Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc thiếu thẩm phán

Với 204 phiếu thuận và 85 phiếu chống, 3 phiếu trống và 8 phiếu không hợp lệ, chiều 14/12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua việc luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol liên quan đến việc ông ban bố lệnh thiết quân luật đêm 3/12.

Theo tờ Korea Times, luật pháp Hàn Quốc quy định, sau khi Quốc hội thông qua đề xuất luận tội Tổng thống, Tòa án Hiến pháp sẽ có 180 ngày để xem xét và đưa ra phán quyết ủng hộ hay phản đối đề xuất này.

Số phận Tổng thống Yoon nằm trong tay Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc- Ảnh 1.

Việc thiếu hụt thẩm phán khiến Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc xem xét quyết định luận tội Tổng thống Yoon (Ảnh: AP).

Tuy nhiên, điều này không hề đơn giản bởi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc hiện chỉ còn 6 trong tổng số 9 thẩm phán còn làm việc. 3 thẩm phán còn lại đã nghỉ hưu từ tháng 10. Dù Quốc hội dự kiến sẽ sớm đề cử người thay thế nhưng đến nay, công việc này vẫn chưa được thực hiện.

Theo một điều khoản của Luật Tòa án Hiến pháp, bất kỳ một vụ việc nào đệ trình tới Tòa cũng chỉ có thể được xem xét khi có ít nhất 7 thẩm phán làm việc.

Song, Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc Lee Jin-sook, người bị Quốc hội luận tội hồi tháng 9, đã đệ trình yêu cầu tạm đình chỉ điều khoản nói trên để Tòa án Hiến pháp có thể tiếp tục xem xét vụ luận tội bà cũng như những vụ luận tội khác.

Tòa án Hiến pháp đã chấp thuận yêu cầu nói trên.

Chính vì thế, về mặt kỹ thuật, Tòa án Hiến pháp vẫn có thể xem xét trường hợp luận tội Tổng thống Yoon.

Ngoài ra luật cũng quy định, cần ít nhất 6 thẩm phán chấp thuận đề xuất luận tội để đề xuất này có hiệu lực. Đồng nghĩa nếu Quốc hội Hàn Quốc muốn phế truất ông Yoon, họ sẽ cần đến sự đồng thuận của toàn bộ 6 thẩm phán tại Tòa án Hiến pháp.

Tuy nhiên, việc chỉ có 6 thẩm phán tại Tòa án Hiến pháp chấp thuận cũng khiến giá trị pháp lý của phán quyết bị hoài nghi bởi sức nặng quá lớn của vụ việc.

Điều này là bởi, vụ xem xét luận tội Tổng thống Roh Moo-hyun hồi năm 2004 có sự đồng thuận của toàn bộ 9 thẩm phán Tòa án Hiến pháp. Trong khi đó vụ xem xét luận tội Tổng thống Park Geun-hye hồi năm 2017 cũng có tới 8 thẩm phán tham gia đồng thuận.

Ngoài ra, cũng đã có những lo ngại về việc nếu 6 thẩm phán tại Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết vào thời điểm này, có khả năng một vài thẩm phán sẽ không chấp thuận phán quyết của Tòa nhất là khi phán quyết đó đi ngược lại với ý chí của họ.

Chính vì thế, việc tăng thêm số lượng thẩm phán tại Tòa án Hiến pháp đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết.

Đảng Dân chủ đối lập đã đưa ra đề xuất bổ sung 2 thẩm phán trong khi đó đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền muốn bổ sung thêm 1 thẩm phán. Nếu Quốc hội chấp thuận tiến hành các phiên điều trần để phê chuẩn những đề xuất nói trên, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc sẽ không còn ghế trống.

Quyền bổ nhiệm lại về tay Thủ tướng?

Tuy nhiên, trong trường hợp này, quyết định bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Hiến pháp cuối cùng lại nằm trong tay Tổng thống.

Song, do ông Yoon Suk Yeol nhiều khả năng bị đình chỉ chức vụ để phục vụ việc luận tội, câu hỏi đặt ra khi đó sẽ là ai sẽ có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án Hiến pháp?

Số phận Tổng thống Yoon nằm trong tay Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc- Ảnh 3.

Thủ tướng Han Duck-soo, người tạm nắm quyền Tổng thống thay thế ông Yoon, nhiều khả năng cũng sẽ không bổ nhiệm bổ sung các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp (Ảnh: AP).

Một số người cho rằng, Thủ tướng Han Duck-soo, người hiện đang tạm đảm đương công việc của Tổng thống, sẽ có quyền làm điều này.

Song, phe đối lập cho rằng bản thân ông Han cũng phải chịu trách nhiệm trong vụ Tổng thống Yoon ban bố lệnh thiết quân luật bởi chính ông cũng tham gia cuộc họp Nội các với ông Yoon vào thời điểm đó.

Mới đây nhất, trong phiên điều trần ngày 11/12, ông Han Duck-soo cũng đã lên tiếng xin lỗi vì không đi đến cùng để phản đối lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon.

Ngay cả trong trường hợp ông Han tránh được việc phải luận tội và vẫn đảm đương công việc của Tổng thống, cũng chưa có gì bảo đảm ông sẽ dùng quyền hành pháp của Tổng thống để bổ nhiệm các thẩm phán.

Còn nhớ trong vụ xem xét luận tội Tổng thống Park Geun-hye hồi năm 2017, ông Hwang Kyo-ahn, người tạm nắm quyền thay thế bà Park, cũng đã không bổ nhiệm thêm thẩm phán để lấp đầy ghế trống tại Tòa án Hiến pháp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.