Thế giới giao thông

Số phận Uber sẽ ra sao sau phán quyết của EU?

25/12/2017, 14:00

Hiện nay hãng cung cấp phần mềm gọi taxi của Mỹ đang hoạt động trên 600 thành phố tại 78 quốc gia.

11

Xe ô tô chặn đường tại khu vực trung tâm London để biểu tình phản đối Uber

Sau khi Tòa Công lý châu Âu (ECJ) ra phán quyết khẳng định Uber là hãng cung cấp dịch vụ vận tải, không phải một công ty kỹ thuật số, phần đông dư luận cho rằng, động thái này có thể tạo làn sóng lan tỏa sang các nước khác trên thế giới nơi Uber hoạt động. Như vậy, số phận của Uber sẽ ra sao?

Không tác động tới những nơi đã quản lý chặt chẽ

Hiện nay hãng cung cấp phần mềm gọi taxi của Mỹ đang hoạt động trên 600 thành phố tại 78 quốc gia với cùng một công nghệ cho phép kết nối giữa người điều khiển phương tiện và người cần gọi xe. Tuy nhiên, ở mỗi thành phố/quốc gia, Uber lại điều chỉnh hoạt động theo quy định quản lý riêng.

Do đó, theo các chuyên gia, hiệu ứng “Uber taxi” từ châu Âu sẽ không ảnh hưởng mạnh tới toàn cầu mà sẽ được coi là “ví dụ tham khảo điển hình” cho một số khu vực còn đang lăn tăn vấn đề quản lý. Trước hết, hiệu ứng này sẽ không tác động nhiều tới các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Malaysia, Singapore, Indonesia… đã có những cách quản lý riêng.

Tại Malaysia, Uber được coi là “dịch vụ trung gian” chuyên hỗ trợ tổ chức, đặt chỗ, giao dịch thanh toán giữa người điều khiển phương tiện và người dùng.

Từ cuối tháng 7 vừa rồi, Malaysia đã hợp pháp hóa các dịch vụ đặt xe qua điện thoại như Uber, cho phép Ủy ban Giao thông công cộng đường bộ Malaysia (SPAD) ra quy định để quản lý dịch vụ đặt xe qua điện thoại di động như:

Yêu cầu giấy phép kinh doanh trung gian, lắp đặt các biện pháp an toàn trên xe, quản lý chất lượng dịch vụ. Để đi vào khai thác, Uber phải được cấp phép hoạt động kinh doanh trung gian và chịu các quy định khác để đảm bảo an toàn cho hành khách.

Ở Singapore, Uber được phân loại là “nhà điều hành dịch vụ đặt xe cá nhân” và phải tuân thủ các quy định như: Tài xế hợp tác phải có giấy phép hành nghề, được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng thành thạo; phải dán đề can nhận diện lên xe để phân biệt phương tiện này với các phương tiện taxi truyền thống và các xe không tham gia hợp tác với Uber khác… Đồng thời, Singapore có chế tài xử phạt nghiêm khắc nếu Uber nói chung và các tài xế nói riêng để xảy ra vi phạm.

Ảnh hưởng tới những khu vực đang phân vân

Phán quyết của châu Âu với Uber có thể lan toả sang một số bang tại Mỹ hoặc những nơi vẫn còn đang cân nhắc tìm cách quản lý dịch vụ này như Hong Kong (Trung Quốc). Hãng tin Bloomberg cho rằng, phán quyết của châu Âu có thể thúc đẩy một số thành phố Mỹ vốn có quan hệ chẳng mấy ngọt ngào với các dịch vụ chia sẻ xe ra quyết định cuối cùng.

Tại TP San Francisco, Chưởng lý thành phố đang điều tra các dịch vụ chia sẻ xe. Chưởng lý San Francisco đang yêu cầu điều tra dịch vụ Uber có gây phiền phức với người dân thành phố hay không. Tại New York, giới chức đang tìm cách siết chặt quản lý.

“Tôi chắc chắn, các thành phố này sẽ được truyền cảm hứng từ phán quyết của EU”, ông Gary Hufbauer, nghiên cứu sinh cấp cao tại Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson cho biết.

Ở châu Á, điển hình là đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), dư luận địa phương cho rằng, quyết định của EU sẽ mở đường để chính quyền Hong Kong dễ dàng nói không với việc hợp pháp hoá dịch vụ này.

Tờ Bưu điện Hoa Nam dẫn lời ông Charles Mok, đại diện cơ quan công nghệ thông tin đặc khu cho biết: “Nếu chính quyền Hong Kong sẵn sàng hợp pháp hóa Uber, phán quyết của EU sẽ chẳng thể ảnh hưởng tới hoạt động của Uber tại địa phương.

Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Vì vậy, quyết định của Tòa Công lý châu Âu sẽ là ví dụ tham khảo tốt cho chính quyền địa phương tiến tới nói không với Uber (nếu họ đã có sẵn ý định đó)”.

Ông Chan Man-keung, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển ngành taxi Hong Kong cho biết, phán quyết của tòa án EU một lần nữa củng cố lập trường cho rằng, nếu Uber muốn hoạt động ở địa phương, cần phải tuân thủ các quy định taxi.

Khi đó, để hoạt động tại đặc khu Hong Kong, ngoài phải có giấy phép hoạt động taxi trị giá khoảng 7 triệu đô-la Hong Kong/xe, Uber phải thuê xe taxi từ các nhà khai thác địa phương và ký hợp đồng phụ với tài xế, ông Chan chỉ ra.

Uber xoay sở thế nào?

Trước những khó khăn pháp lý, Uber đã và đang thực hiện nhiều chiến lược để sống sót. Một trong số đó là hợp tác với các hãng taxi địa phương. Chiến lược này đang được lên kế hoạch và xúc tiến tại Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia... Gần đây nhất, ở Hong Kong, Uber đã ngỏ lời kêu gọi hợp tác và nhận được phản hồi tích cực.

Bên cạnh đó, Uber cũng tính đến chuyện hợp tác sản xuất xe ô tô tự lái vận hành cùng ứng dụng đặt xe. Cuối tháng 11 vừa rồi, Uber đạt thỏa thuận mua tới 24.000 xe tự hành của hãng Volvo, trị giá 1,4 tỉ USD. Đây được cho là động thái chuẩn bị cho kế hoạch ra mắt dịch vụ gọi xe không người lái của hãng.

Trước đó, Uber đã hợp tác với Mercedes, Volvo và Ford... để sản xuất xe tự lái vận hành cùng ứng dụng Uber. Với kế hoạch này, Uber ấp ủ trở thành một “nền tảng mở dành cho xe tự lái”, trong đó các hãng ô tô có thể đưa mẫu phương tiện của họ vào và đáp ứng nhu cầu khách gọi xe của Uber.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.