Thế giới

Số phận vợ, con của khủng bố IS ra sao sau khi Syria được bình định?

01/11/2019, 07:28

Số phận của vợ con những thành viên trong Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là vấn đề khiến giới chức toàn cầu lo ngại.

img
Phụ nữ và trẻ em đang sống trong cảnh khó khăn tại trại giam giữ al-Hol nằm ở khu vực phía Bắc Syria.

Từ khi IS bị đẩy lui khỏi Syria, đến nay, vấn đề này một lần nữa tiếp tục trở thành đề tài “nóng” sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công phía Bắc Syria, đẩy khu vực này vào cảnh hỗn loạn.

Thảm họa nhân đạo và hỗn loạn an ninh

Tạp chí Foreign Policy cho biết, theo tính toán đến thời điểm hiện tại, có rất nhiều trại tập trung như al-Hol ở phía Đông Bắc Syria, nơi có 68.000 người, trong đó 94% người bị giam giữ là phụ nữ và trẻ em; 11.000 người đến từ nước ngoài (bao gồm 7.000 trẻ em và 4.000 phụ nữ).

Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) từng là đồng minh của Mỹ trong chiến dịch đẩy lui Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria và đang bị Mỹ bỏ rơi sau quyết định rút về nước của Washington, cảnh báo họ không đủ khả năng để canh gác các nhà tù và trại tập trung này nữa. Điều này sẽ đặt ra mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng cho không chỉ Syria mà còn cả chính châu Âu và Mỹ.

Thực tế, đã có hàng loạt các vụ trốn trại liên tiếp xảy ra tại trung tâm giam giữ gần Qamishli, nơi đang giữ khoảng 800 phụ nữ hay vụ trốn trại gần đây của hơn 100 tù nhân tổ chức khủng bố IS trong các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chưa kể, lãnh đạo IS Abu Bakr al-Baghdadi từng kêu gọi các thành viên trong nhóm này giải phóng tất cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em của IS từ hồi tháng 9, từ đó có thể thấy, mức độ cấp bách của tình hình này càng nghiêm trọng.

Ngoài rủi ro an ninh, vấn đề về nhân đạo cũng khiến nhiều tổ chức thế giới liên quan e ngại. Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc cảnh báo, điều kiện sinh sống bên trong các trại này vô cùng khổ sở, trong đó hàng trăm trẻ em chết vì dịch bệnh và suy dinh dưỡng. Một số phụ nữ bị những phụ nữ khác có tư tưởng cực đoan hơn tấn công đến mức bị thương, tàn tật.

Đưa về nước hay phớt lờ?

Tuy nhiên, hiện nay, các cường quốc trên thế giới đều chưa có kế hoạch để giải quyết tình hình. Trước đây, Chính phủ Mỹ từng đấu tranh để bảo vệ những công dân của họ từ hang ổ của IS trở về nước.

Nước này đã hồi hương ít nhất 17 công dân Mỹ (bao gồm 12 đàn ông và 5 phụ nữ) và tạo điều kiện cho những người trở về sang các quốc gia khác - những đất nước đề nghị hỗ trợ công dân họ.

Tuy nhiên, việc Mỹ rút quân khỏi miền Bắc Syria có thể khiến những sự hỗ trợ đó khó khăn hơn nếu không nói là bất khả thi trong tương lai. Đối với các nước châu Âu và phương Tây khác, hiện tại, phần lớn họ đều từ chối trách nhiệm đưa những công dân có tư tưởng cực đoan của mình hồi hương, vì e ngại rủi ro về an ninh.

Thực tế, các nước này chứng kiến rất nhiều vụ IS trả đũa tấn công khủng bố đẫm máu tại quê nhà, khiến không ít dân thường vô tội tại các nước phương Tây, châu Âu chịu cảnh tang thương.

Một số nước trong đó có Anh còn nghiêm khắc đến mức tước quốc tịch có chọn lọc với một số công dân tham gia IS. Phần lớn các chính phủ đều nêu ra lý do là bởi họ rất khó khăn trong quá trình xét xử những cá nhân này khi họ trở về nước.

Thực tế, vai trò của phụ nữ trong các tổ chức khủng bố khá đa dạng: Một số người chỉ là vợ, là mẹ và tham gia giáo dục thế hệ kế cận cho IS, trong khi một số khác tham gia vào một nhóm cảnh sát tôn giáo phụ nữ được biết đến với tên gọi là “Binh đoàn Khansaa” dù chưa tới mức độ là người tuyên truyền hay tham gia chiến đấu.

Một số phụ nữ tham gia IS hiện tại vẫn là những người ủng hộ tổ chức này, kiên định về tư tưởng, do đó không loại trừ khả năng những đối tượng này có thể tái gia nhập vào IS và tuyên truyền hệ tư tưởng cực đoan cho những thế hệ sau, đóng góp vào những hoạt động sắp tới của IS.

Nhiều quốc gia như Canada chứng kiến số lượng công dân là nữ ủng hộ tổ chức khủng bố IS tại Syria nhiều hơn nam. Vì vậy, giới chức các nước cần phải đánh giá những phụ nữ này tùy theo từng trường hợp.

Hơn nữa, nhiều chuyên gia nghiên cứu về khủng bố cảnh báo, việc bỏ mặc những phụ nữ và trẻ em này tại các trại tập trung và nhà tù tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ trong đó có thể khiến họ tiếp tục nuôi tư tưởng cực đoan và chờ một ngày đẩy IS trỗi dậy.

Cô Lydia Khalil, nghiên cứu sinh tại Viện Lowy ở Sydney chuyên nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố quốc tế và Trung Đông nhận định: “Có rất nhiều mối đe dọa và rủi ro khi đưa những đối tượng này hồi hương song cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nếu không tìm cách giải quyết vấn đề đó”.

Lydia Khalil cảnh báo, trại al-Hol và một số khu vực giam giữ khác đều là “điểm nóng của những mầm mống tư tưởng cực đoan”.

Ông David Malet, nhà khoa học chính trị tại Đại học American tại Washington chỉ trích: “Tất cả các chính phủ đều kêu gọi quốc gia khác nên đưa công dân của mình từ các trại giam giữ ở Syria về nước nhưng hầu hết việc họ làm lại là né tránh đưa công dân của chính nước mình hồi hương”.

Hiện tại, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra nghị quyết bắt buộc các quốc gia phải có hành động đưa những công dân tham gia vào IS chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.