Xã hội

Sở TN-MT Đắk Lắk lý giải gì về việc sông Sêrêpốk bị mỏ đá "bức tử"?

12/07/2021, 20:01
image

Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk khẳng định mỏ đá được cấp phép khai thác cách bờ sông Sêrêpốk 4m nhưng thực tế doanh nghiệp đã khai thác sát mép sông.

img

Sở TN-MT Đắk Lắk khẳng định, ngày 25/6 (sau 1 ngày Báo Giao thông phản ánh) Sở đã kịp thời kiểm tra và yêu cầu doanh nghiệp dừng ngay việc khai thác tại khu vực làm đá rơi xuống sông nhưng ngày 5/7, PV có mặt tại hiện trường, mỏ đá vẫn khoan đá để nhồi thuốc nổ, hoạt động rầm rộ. Ảnh: Ngọc Hùng

Ngày 12/7, liên quan đến bài viết “Cận cảnh sông Sêrêpốk bị mỏ đá "bức tử", dân bất an với tiếng nổ giữa trưa”, ông Trần Văn Sỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Đắk Lắk đã kí văn bản gửi Báo Giao thông.

Văn bản nêu: sau khi Báo Giao thông phản ánh, Sở TN-MT đã kịp thời kiểm tra và yêu cầu dừng ngay việc khai thác tại vị trí khu vực khai thác làm đá rơi xuống sông và ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ nguồn nước, yêu cầu Công ty TNHH xây dựng Phú Xuân khắc phục các tồn tại, đưa hết khối lượng đá rơi xuống sông lên bờ, nhằm đảm bảo ổn định dòng chảy của sông Sêrêpốk.

Ngày 5/7, Sở TN-MT đã tổ chức kiểm tra thực địa, xác định vị trí các điểm mốc khu vực khai thác trên thực địa làm cơ sở báo cáo tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh khoảng cách ranh giới khu vực khai thác nhằm đảm bảo hành lang bảo vệ nguồn nước (không nhỏ hơn 5 mét tính từ mép bờ) theo quy định.

Video: Bất chấp lệnh dừng khai thác tại vị trí sát mép sông, mỏ đá vẫn hoạt động rầm rộ

Theo Sở TN&MT Đắk Lắk, Công ty TNHH xây dựng Phú Xuân được UBND tỉnh cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu IIC, mỏ D2 (xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột) theo Quyết định số 3224/QĐ-UBND ngày 21/12/2010, diện tích được phép khai thác 83.000m2, công suất được phép khai thác 49.350m3 đá nguyên khai/năm. Thời hạn được phép khai thác 22 năm kể từ ngày 21/12/2010.

img

Mỏ đá khai thác, đá tràn xuống dòng sông Sêrêpốk. Ảnh: Ngọc Hùng

“Khu vực được phép khai thác được giới hạn bởi 4 điểm khép góc từ M1 đến M4, các điểm góc M1, M2, M3 có khoảng cách so với mép bờ sông Sêrêpốk từ 175m đến 350 m; điểm M4 có khoảng cách so với mép bờ sông Sêrêpốk khoảng 4m. Do thời điểm cấp phép (năm 2010) Luật Tài nguyên nước năm 2012, Nghị định 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ Quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước chưa có hiệu lực.

Vì vậy, chưa có quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước nên việc cấp phép khai thác có điểm M4 cách mép bờ sông là 4m. Hiện UBND huyện Krông Ana đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác của mỏ đá, đang xem xét xử lý theo thẩm quyền”, văn bản do ông Sỹ kí khẳng định.

img

Mỏ đá nổ mìn khai thác đá khiến đá "bay" ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Ảnh: Ngọc Hùng

Trước đó, Báo Giao thông có bài viết “Cận cảnh sông Sêrêpốk bị mỏ đá "bức tử", dân bất an với tiếng nổ giữa trưa”, phản ánh mỏ đá Phú Xuân trong quá trình khai thác đá xây dựng đã nổ mìn làm sạt lở bờ sông, một lượng đá đổ xuống sông Sêrêpốk làm thay đổi dòng chảy.

Ngoài ra, việc khoan và nổ mìn đã gây khói bụi, “đá bay” ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Theo ghi nhận, vị trí khai thác đá nằm sát mép sông Sêrêpốk (thuộc Buôn Kuốp, xã Đray Sáp, huyện Krông Ana, giáp ranh với xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột).

Tại hiện trường, toàn bộ khu vực bờ sông bị nổ mìn sạt lở hoàn toàn kéo dài, đá đổ tràn xuống dòng sông Sêrêpốk. Gần đó, một số tảng đá lớn sát bờ sông bị nứt nẻ, chờ ngã đổ xuống dòng sông.

Báo Giao thông tiếp tục thông tin về vụ việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.