Xã hội

Sở TT&TT Ninh Bình ra văn bản gây khó phóng viên?

09/05/2017, 19:16
image

Văn bản mới của Sở TT&TT Ninh Bình cho rằng: "có quyền từ chối cung cấp thông tin" nếu không có thẻ Nhà báo.

vb3

Văn bản 314 của Sở TT&TT tỉnh Ninh Bình gửi các đơn vị về việc hướng dẫn tiếp xúc với nhà báo khiến phóng viên hoạt động trên địa bàn không khỏi băn khoăn

Mới đây, ngày 7/4/2017, Sở Thông tin và Truyền Thông tỉnh Ninh Bình ( Sở TT&TT) ban hành văn bản số 314/STTTT-TTBCXB do bà Trần Thị Thảo - Phó giám đốc Sở này ký gửi các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh về việc hướng dẫn tiếp xúc với Nhà báo.

Một đoạn nội dung trong văn bản nêu rõ: Về chế độ làm việc với báo chí: Khi Nhà báo của các cơ quan báo chí đến liên hệ làm việc, cơ quan đơn vị có quyền yêu cầu xuất trình Thẻ nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, phù hợp với cơ quan báo chí. Nếu không có Thẻ nhà báo thì có quyền từ chối làm việc và cung cấp thông tin (Điều 25, Luật Báo chí năm 2016)”.

vb (2)

Sau khi có phản ánh của báo chí, Sở TT&TT tỉnh Ninh Bình đã có văn bản số 399 điều chỉnh thay thế văn bản số 314

Sau khi văn bản này được ban hành, các phóng viên tác nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (chưa có Thẻ Nhà báo) khi đi đến làm việc ở một các cơ quan ban, ngành đều gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin viết bài.

“Chúng tôi là phóng viên đã được ký hợp đồng làm việc với tòa soạn và được cử theo dõi địa bàn tỉnh Ninh Bình để phản ánh kịp thời, đầy đủ thông tin sự kiện diễn ra. Lâu nay, chúng tôi vẫn sử dụng giấy giới thiệu do tòa soạn cấp để liên hệ làm việc với các đơn vị. Nhưng từ khi có văn bản của Sở TT&TT tỉnh Ninh Bình thì việc tác nghiệp của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do hầu hết các đơn vị trên địa bàn tỉnh đều yêu cầu phải có Thẻ nhà báo theo quy định của Sở TT&TT thông thì mới làm việc, trong khi chúng tôi chưa đủ điều kiện được cấp Thẻ Nhà báo”, một phóng viên cho biết.

vb (1)

Văn bản số 399 này trích dẫn nguyên nội dung Điều 25 Luật báo chí năm 2016

Trước sự việc này, trao đổi qua điện thoại với PV Báo Giao thông, bà Trần Thị Thảo - Phó giám đốc Sở TT&TT tỉnh Ninh Bình (người đã ký văn bản số 314 nói trên) cho biết: Ngay sau khi nhận được phản ánh của một số cơ quan báo chí thì ngay trong sáng nay (9/5) tôi cũng đã ký văn bản số 399 điều chỉnh, thay thế văn bản số 314 gửi tới các đơn vị.

Khi được hỏi nội dung của văn bản số 399 có gì mới hay không thì bà Thảo cho biết: Chỉ trích dẫn nội dung của điều 25 Luật báo chí năm 2016. Và các đơn vị khi làm việc với các cơ quan báo chí có thể tham khảo những nội dung được quy định tại Điều 25 Luật Báo chí.

Qua tìm hiểu được biết: Phóng viên là nhân sự thuộc cơ quan báo chí, được hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định pháp luật khi người đứng đầu cơ quan báo chí giao nhiệm vụ thông qua hình thức giấy giới thiệu hoặc văn bản đề nghị gửi tới các cơ quan, tổ chức mà người đứng đầu cơ quan báo chí cử phóng viên tới làm việc.

Trước đó, ngày 28/9/2016, Bộ TT&TT có văn bản số 3366/BTTTT-CBC gửi các cơ quan báo chí về về việc sử dụng các loại giấy tờ, thẻ gây nhầm lẫn với Thẻ Nhà báo. Trong đó có đoạn nội dung nêu: Việc các cơ quan báo chí cấp giấy giới thiệu để phóng viên đi tác nghiệp phải đảm bảo theo quy định, cần ghi rõ làm việc với cơ quan, tổ chức nào? nội dung gì? thời gian cụ thể?

Điều 25, Luật báo chí 2016 quy định Quyền và nghĩa vụ của nhà báo:
1. Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo.
2. Nhà báo có các quyền sau đây:
a) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp;
b) Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;
c) Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;
d) Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật;
đ) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo chí;
e) Khước từ việc tham gia biên soạn hoặc thể hiện tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật.
3. Nhà báo có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân;
b) Bảo vệ quan Điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm;
c) Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật;
d) Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật;
e) Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Truyền hình giao thông:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.