Y tế

Sốc phản vệ thuốc tê, thuốc mê sai một li đi… cả cuộc đời

18/04/2019, 06:29

Việc chẩn đoán phân biệt giữa sốc phản vệ và ngộ độc thuốc gây tê là cực kỳ quan trọng vì phương pháp xử trí là hoàn toàn khác nhau.

img
Một ca ngộ độc thuốc tê được phát hiện và xử trí kịp thời, giúp bệnh nhân không nguy hiểm tính mạng

Theo các chuyên gia gây mê hồi sức, sự ngộ nhận trong khái niệm “ngộ độc thuốc tê/thuốc mê” và sốc phản vệ sau gây tê/gây mê dễ dẫn tới sử dụng phác đồ điều trị sai, gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong cho người bệnh.

Nhiều ca bệnh tử vong chỉ sau tiêm thuốc tê, thuốc mê

Mới đây, bệnh nhân Đ.N.A (25 tuổi ở Phú Thọ) đến BV An Việt để hút mỡ bụng và tạo hình thành bụng mini. Tối 5/4, bệnh nhân bắt đầu được gây tê tuỷ sống để thực hiện thủ thuật, tuy nhiên ngay sau đó có biểu hiện bất thường, truỵ mạch, ngừng thở. BV An Việt đã cấp cứu ngay tại chỗ do nghi ngờ sốc phản vệ. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến BV Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu do thiếu máu não, phù não nặng. Dù được cấp cứu, hồi sức tích cực nhưng tình trạng bệnh nhân không cải thiện. 15h ngày 10/4, bệnh nhân tử vong.

Cách đây chừng 1 năm, chị N.T.T.T. (SN 1982, trú tại Đông Khê, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) đã tử vong sau khi tiêm gây tê để nhổ răng số 8 tại BV Quân y 7 Hải Phòng. Cụ thể, trong quá trình nhổ răng, sau khi bác sĩ xét nghiệm xong, chị T. được tiêm thuốc gây tê trước khi nhổ răng. Tuy nhiên, chưa kịp tiến hành phẫu thuật, nhổ răng thì chị thấy có dấu hiệu khó thở, trụy tim. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu bệnh nhân theo phác đồ sốc phản vệ nhưng chị T. đã tử vong sau đó ít giờ.

May mắn hơn các ca bệnh nêu trên, ngày 28/2, bệnh nhân V.T.Đ. (64 tuổi, trú tại Hạ Hòa, Phú Thọ) cũng đã xuất hiện các dấu hiệu khó thở, đau đầu, buồn nôn, huyết áp tăng, diễn biến rất nhanh bệnh nhân rơi vào trạng thái lơ mơ ngay sau khi tiêm thuốc tê để thực hiện thủ thuật sinh thiết tế bào. Tuy nhiên, bệnh nhân được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương theo dõi và nhanh chóng xác định bị ngộ độc thuốc tê. Phác đồ xử trí ngộ độc thuốc tê với việc truyền thành dòng nhũ dịch Lipofundin 20%, giải độc nhanh cho bệnh nhân. Nhờ vậy, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, không còn cảm giác buồn nôn, đau đầu, khó thở.

Trưa 23/3, tại bệnh viện này cũng tiếp nhận bệnh nhân T.T.H. (40 tuổi, trú tại Phú Mỹ, Phù Ninh, Phú Thọ) vào viện trong tình trạng buồn nôn, khó thở, run người, ban đỏ khắp cơ thể. Các bác sỹ xác định bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê Novocain và nhanh chóng truyền thành dòng nhũ dịch Lipofundin 20% giải độc nhanh cho bệnh nhân. Theo người nhà bệnh nhân H., trước đó bệnh nhân đi rút chỉ tại cơ sở y tế tư nhân có dùng thuốc gây tê Novocain thực hiện thủ thuật rút chỉ vết mổ TNGT ở chân.

Theo BS Lương Minh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, hiện nay thuốc tê Novocain được sử dụng rộng rãi trong các bệnh viện, phòng khám, trạm y tế, đặc biệt phòng khám răng - hàm mặt, thẩm mỹ viện,…thậm chí người dân bình thường có thể mua tại các hiệu thuốc mà không cần đơn của bác sỹ. Từ trước đến nay, các biến cố xảy ra khi sử dụng thuốc gây tê này thường quy cho “sốc phản vệ” mà ít khi nghĩ tới nguyên nhân do ngộ độc thuốc. Chính vì vậy, việc chẩn đoán phân biệt giữa sốc phản vệ và ngộ độc thuốc gây tê là cực kỳ quan trọng vì phương pháp xử trí là hoàn toàn khác nhau.

Ngộ nhận “chết người”

Theo “Hướng dẫn xử trí phản vệ trong một số trường hợp đặc biệt” của Thông tư 51 có nêu: “Một số thuốc gây tê là những hoạt chất ưa mỡ (Lipophilic) có độc tính cao khi vào cơ thể gây nên một tình trạng ngộ độc nặng giống như phản vệ có thể tử vong trong vài phút, cần phải điều trị cấp cứu bằng thuốc kháng độc (nhũ dịch Lipid) kết hợp với adrenalin vì không thể biết được ngay cơ chế phản ứng là nguyên nhân ngộ độc hay dị ứng”.

Tuy nhiên, theo một bác sĩ đầu ngành về gây mê hồi sức tại TP HCM, bản chất ngộ độc thuốc tê và sốc phản vệ do thuốc tê gây là hai hiện tượng vật lý hoàn toàn khác nhau nên không thể lẫn lộn, sử dụng chung một phác đồ điều trị.

Cụ thể, nếu sốc phản vệ do thuốc tê gây ra, sử dụng adrenalin được xem là thuốc thiết yếu, quan trọng hàng đầu cứu sống bệnh nhân. Trong khi đó, ngộ độc thuốc tê được điều trị bằng nhũ dịch Lipid 20%. Nếu ngộ độc thuốc tê xử lý theo phác đồ của sốc phản vệ thì hậu quả vô cùng trầm trọng. Khi ngộ độc thuốc tê, thuốc tê sẽ gắn vào tế bào cơ tim, làm giảm khả năng sản sinh năng lượng cho tim hoạt động. Nếu đưa Adrenaline liều cao như xử trí sốc phản vệ vào sẽ làm cho cơ tim kiệt quệ và khả năng phục hồi càng ít. Điều này càng dẫn tới nguy cơ tim ngừng đập và bệnh nhân tử vong sau khi xử trí.

Ngược lại, sử dụng nhũ dịch Lipid sớm sẽ làm cơ tim được giải phóng khỏi thuốc tê nên sẽ làm tim hoạt động trở lại dễ dàng hơn. Hiện nay, tại Mỹ đã đưa ra hai phác đồ riêng biệt. Một là phác đồ chống sốc phản vệ và một là ngộ độc thuốc tê.

Theo BS Nguyễn Anh Tuấn, BV Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, vấn đề đáng lo ngại là có sự ngộ nhận về “sốc phản vệ thuốc tê” trong chính ngành y tế, nhất là những bác sĩ không thuộc chuyên ngành gây mê hồi sức. Hầu hết khi sự cố liên quan tới thuốc tê gây ra, người ta đều hướng cách xử trí theo sốc phản vệ thuốc tê. Nhưng sự thực, thuốc tê rất hiếm gây ra tình trạng phản ứng phản vệ có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng “sốc phản vệ thuốc tê” rất hiếm gặp hoặc thực sự không có. Việc ngộ nhận này có thể dẫn tới sử dụng phác đồ điều trị sai, gây hậu quả nghiêm trọng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.