Hậu Giang phấn đấu trong tháng 9 phê duyệt phương án và tổ chức chi trả bồi thường
Ngày 29/7, ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, dự kiến trước ngày 31/7, sẽ hoàn thành 100% công tác kiểm đếm đoạn đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang thuộc dự án thành phần cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.
Nút giao giữa dự án cao tốc và QL1 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đoạn cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang có tổng chiều dài hơn 63km và có 4 nút giao IC3, IC4, IC6, IC6, chiếm khoảng 60% toàn tuyến.
Đến nay, Ban đã bàn giao 3 đợt cọc GPMB đạt 100% cho địa phương. Hiện ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã kiểm đếm được hơn 60/63km, đạt 95%.
Dự án thành phần cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có tổng chiều dài hơn 109km, tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe hạn chế. Dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2025.
Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài hơn 36km, tổng mức đầu tư khoảng 9.769 tỷ. Đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 72km, tổng mức đầu tư khoảng 17.485 tỷ đồng.
“Về công tác xác định giá đất, hiện các đơn vị có liên quan đang triển khai xác định giá đất cụ thể bồi thường.
Ngay khi hoàn thiện sẽ lấy ý kiến của UBND các huyện, trình Sở TN&MT trước khi trình Hội đồng thẩm định giá của tỉnh.
Sau khi có văn bản thống nhất của Hội đồng thẩm định giá đất, Sở TN&MT sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt giá đất theo quy định và lập phương án bồi thường, hỗ trợ trong tháng 8/2022”, ông Tuân thông tin thêm.
Ngoài ra, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận còn cho biết, đối với đoạn đã bàn giao cọc GPMB đợt 1 và 2, UBND tỉnh đã ban hành thông báo thu hồi đất trong tháng 7.
Trong tháng 8 sẽ sẽ lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, niêm yết công khai và lấy ý kiến của người dân theo quy định.
Phấn đấu trong tháng 9/2022 sẽ phê duyệt phương án và tổ chức chi trả bồi thường, hỗ trợ cho người dân. Dự kiến trước ngày 20/10 bàn giao mặt bằng trên 70% cho đơn vị thực hiện dự án.
Sóc Trăng đã bố trí 250 tỷ đồng cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Sóc Trăng đã họp triển khai dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1, đoạn đi qua địa bàn tỉnh này.
Theo ông Lâu, về nguồn vốn đối ứng của tỉnh, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-HĐND, ngày 20/5/2022, cam kết bố trí 1.000 tỷ đồng từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương do cấp tỉnh quản lý để tham gia thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Điểm cuối của dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nằm tại Trần Đề (Sóc Trăng)
Trong đó, năm 2022 bố trí 250 tỷ đồng và năm 2023 bố trí 750 tỷ đồng.
Để đảm bảo chất lượng và tiến độ của dự án, ông Trần Văn Lâu yêu cầu các sở, ngành nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao, hoàn thành khung chính sách, đánh giá tác động môi trường dự án, khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ cho dự án, thành lập các tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo và Ban Điều hành tỉnh.
Về bộ máy nhân sự, Ban Quản lý dự án 2 của tỉnh Sóc Trăng hiện có 8 nhân sự có chứng chỉ quản lý dự án hạng I, đủ năng lực theo quy định để thực hiện quản lý dự án nhóm A. Đồng thời, UBND tỉnh sẽ thành lập ban chỉ đạo để triển khai thực hiện dự án.
Ông Trần Văn Lâu cho biết thêm: "UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý dự án 2 phối hợp Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tiếp nhận hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; chủ động rà soát hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Theo đó, lên kế hoạch chi tiết, gấp rút thực hiện các công tác chuẩn bị. Đồng thời, chủ động liên hệ với các đơn vị tư vấn để triển khai thực hiện các bước tiếp theo ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phân cấp cơ quan chủ quản thực hiện theo tiến độ được phê duyệt".
Chủ tịch UBND Sóc Trăng đã giao các sở, ngành rà soát hướng tuyến, số lượng hộ dân bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng và nhu cầu tái định cư.
Qua đó, đề xuất và lập quy hoạch chi tiết các khu tái định cư, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tái định cư cho dự án; đồng thời, lập và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cho dự án và các khu tái định cư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận