Theo hồ sơ, mỏ cát MS03 nằm trên sông Hậu thuộc địa phận xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) có diện tích 60ha, trữ lượng 1,1 triệu m3.
Tổng trữ lượng khoáng sản cát được phép khai thác khoảng 470.000m3; công suất cho phép khai thác 470.000m3/7 tháng; số lượng phương tiện khai thác gồm bốn tàu hút HB500CV; số lượng phương tiện vận chuyển là bốn sà lan.
Thời hạn khai thác mỏ này là 7 tháng kể từ ngày 15/8, và Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP làm chủ dự án.
Thời gian khai thác trong ngày từ 7h - 17h. Biện pháp thi công khai thác được duyệt là sử dụng tàu bơm hút cát (HB 500CV), khai thác cát trực tiếp từ lòng sông đưa lên sà lan vận chuyển cặp mạn, vận chuyển đến nơi san lấp, tiêu thụ.
Cơ quan chức năng cũng yêu cầu chủ dự án bố trí các phương tiện khai thác thành một hàng dọc theo chiều dài khu vực mỏ. Đồng thời, chia từng phân đoạn thi công (khoảng 284m/phương tiện) từ hạ lưu đến thượng lưu, tiến hành khai thác theo hướng ngược chiều dòng chảy.
Đây là một trong năm mỏ cát trên sông Hậu thuộc tỉnh Sóc Trăng được UBND tỉnh lập hồ sơ, thủ tục bàn giao cho các nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù để thi công dự án thành phần 4.
Trước đó, sáng 15/8, tại mỏ cát MS01 trên sông Hậu, thuộc xã Phong Nẫm và xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách (Sóc Trăng), Công ty CP Bê tông Cửu Long cũng đã tổ chức lễ khởi công khai thác cát cung cấp cho dự án cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Mỏ cát MS01 có diện tích 34ha; trữ lượng cát được phép khai thác gần 1,2 triệu m3, với thời gian khai thác đến hết tháng 8/2028.
Còn hồi đầu tháng 12/2023, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức lễ bàn giao hồ sơ, vị trí, trữ lượng khai thác, báo cáo đánh giá tác động môi trường năm mỏ cát cho bốn nhà thầu thi công dự án này để lập hồ sơ, thủ tục khai thác theo cơ chế đặc thù.
Tổng số mỏ cát được UBND tỉnh Sóc Trăng bàn giao cho các nhà thầu có diện tích hơn 450ha, tổng trữ lượng hơn 11 triệu m3. Tất cả trữ lượng cát khai thác từ năm mỏ này chỉ phục vụ cho Dự án thành phần 4, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Bốn nhà thầu được giao mỏ cát gồm: Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, gói thầu số 11, được giao mỏ MS 05 (trữ lượng 3,36 triệu m3); Công ty CP Hải Đăng, gói thầu số 10, được giao mỏ MS 11 (trữ lượng gần 2 triệu m3); Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5-CTCP, gói thầu số 9, được giao mỏ MS 06 (trữ lượng gần 2 triệu m3); Tổng công ty Xây dựng số 1-CTCP, gói thầu số 12, được giao hai mỏ (MS 03 và MS 14, với tổng trữ lượng hơn 3,7 triệu m3).
Về nhu cầu sử dụng cát, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn gần 1,5 triệu m3; Công ty CP Hải Đăng gần 1,8 triệu m3. Còn Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 cần gần 1,9 triệu m3 và Tổng công ty Xây dựng số 1 gần 1,5 triệu m3.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận