Ngày 11/7, theo thông tin từ UBND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch UBND tỉnh này đã ký quyết định giao nhiệm vụ tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề (thuộc Cảng biển Sóc Trăng).
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề (thuộc Cảng biển Sóc Trăng).
Bến cảng Trần Đề (thuộc cảng biển Sóc Trăng) có chức năng phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương và vận chuyển hàng hóa, hành khách tuyến bờ ra đảo.
Đồng thời, Sở GTVT có trách nhiệm tổ chức lập báo cáo theo đúng các quy định hiện hành, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng giao các sở, ngành có liên quan và UBND huyện Trần Đề chủ động phối hợp, tạo điều kiện cho Sở GTVT tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề theo mục tiêu đề ra và đúng quy định.
Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Sóc Trăng với nội dung, Bộ GTVT ủng hộ đề xuất của UBND tỉnh Sóc Trăng về quy mô dự án khu bến cảng ngoài khơi Trần Đề thuộc cảng biển loại đặc biệt.
Đối với nguồn vốn lập nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư khu bến cảng Trần Đề, Bộ GTVT cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quan điểm thu hút nguồn lực là “Huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải; ưu tiên nguồn lực Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng”.
Khu bến Trần Đề được định hướng "phát triển theo định hướng xã hội hóa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và năng lực của nhà đầu tư”.
Do đó, Bộ GTVT ủng hộ sự cần thiết thực hiện nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư khu bến cảng Trần Đề, làm cơ sở kêu đầu tư theo định hướng quy hoạch cảng biển được duyệt.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu nguồn vốn (có thể từ nguồn ngoài ngân sách hoặc nguồn ngân sách) để tổ chức thực hiện theo quy định.
Theo quy hoạch, cảng Trần Đề có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, tàu hàng rời trọng tải đến 160.000 DWT… Cảng cũng đóng vai trò đảm nhận một phần hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó, công suất hàng hóa thông qua khoảng 30 - 35 triệu tấn/năm, diện tích cảng rộng 1.400ha. Cảng cũng sẽ có bến sà lan dài 500m tiếp nhận sà lan đến 5.000T phục vụ tiếp chuyển hàng hóa từ bến cảng ngoài khơi vào phía bờ, cầu dẫn vượt biển dài 18km.
Cảng biển Sóc Trăng (khu bến Trần Đề) có chức năng phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương và vận chuyển hàng hóa, hành khách tuyến bờ ra đảo.
Ngoài ra, cảng có các bến tổng hợp, container, hàng rời và bến cảng khách phát triển theo định hướng xã hội hóa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và năng lực của nhà đầu tư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận