Mới đây, Tập đoàn Mường Thanh cho biết đã chính thức tiếp quản khách sạn Hoàng Anh Gia Lai (tỉnh Gia Lai).
Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai trước là tài sản của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, đi vào hoạt động từ tháng 12/2005. Công trình này tọa lạc ngay Quảng trường Phù Đổng - trung tâm thành phố Pleiku, cạnh ngã tư Hùng Vương, QL19, Nguyễn Tất Thành, Trường Chinh.
Trước khi về tay Mường Thanh, hồi tháng 10/2023, khách sạn Hoàng Anh Gia Lai đã từng được bán cho một doanh nghiệp là Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai.
Hoàng Anh Gia Lai của "bầu" Đức đã phải bán hàng loạt tài sản do kinh doanh bết bát bao gồm: HAGL Resort Đà Lạt và Quy Nhơn, HAGL Myanmar centre, HAGL Agrico…
Được biết, đây không phải lần đầu tập đoàn này mua lại tài sản của Hoàng Anh Gia Lai. Trước đó, năm 2019, Mường Thanh cũng đã mua lại khách sạn Hoàng Anh Gia Lai Đà Nẵng, đổi tên thành Mường Thanh Luxury Sông Hàn.
Hệ sinh thái khách sạn "khủng"
Trước khi bỏ thêm 2 khách sạn của Hoàng Anh Gia Lai vào "túi", Tập đoàn Mường Thanh được biết đến là một trong những doanh nghiệp có hệ sinh thái khách sạn lớn nhất Việt Nam.
Doanh nhân đứng sau sự nổi lên của Mường Thanh chính là ông Lê Thanh Thản, được biết đến với biệt danh "Đại gia điếu cày". Ông là người sáng lập tập đoàn, với trọng tâm là các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản và khách sạn.
Khởi đầu chuỗi khách sạn Mường Thanh, thương vụ đầu tiên của ông Thản là xây dựng khách sạn tại Lai Châu, tọa lạc ở Điện Biên vào năm 1993. Tuy nhiên, sau đó tỉnh Lai Châu đã đề nghị ông nhượng lại khách sạn Điện Biên để đổi lấy một lô đất có giá trị khác.
Từ lô đất này, ông Thản đã xây dựng khách sạn Mường Thanh Điện Biên, tiền thân của chuỗi khách sạn Mường Thanh hiện nay và đưa vào hoạt động từ tháng 7/1997.
Năm 2003, hệ thống khách sạn Mường Thanh quyết định chuyển hướng đầu tư về Hà Nội với Mường Thanh Linh Đàm.
Đến hết năm 2015, Mường Thanh có 35 khách sạn trên 30 tỉnh, thành cả nước với 6.912 phòng, chiếm tới 10% số lượng phòng nghỉ, dịch vụ lưu trú trên toàn quốc.
Năm 2016, tập đoàn đã khai trương khách sạn đầu tiên ở nước ngoài là Mường Thanh Luxury Vietiane (Lào).
Hiện tại, chuỗi khách sạn Mường Thanh đang sở hữu 60 khách sạn (không tính 2 Mường Thanh Golf Club) trên cả nước, bao gồm: 24 Mường Thanh Luxury, phân khúc khách sạn hạng sang cao cấp nhất của Mường Thanh; 19 Mường Thanh Grand; 10 Mường Thanh Holiday, nhóm khách sạn cao cấp nằm ở các địa điểm du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng; 7 Mường Thanh tiêu chuẩn.
Ngoài thương vụ với Hoàng Anh Gia Lai, Mường Thanh cũng từng gây chú ý sau khi thâu tóm khách sạn Phương Đông Nghệ An. Khi đó, nhóm chủ Mường Thanh đã mua lại 39% cổ phần của Công ty Cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông (PDC) từ phía Ocean Hospitality.
Ông Lê Thanh Thản hiện nắm 3 triệu cổ phiếu PDC tương ứng 20% vốn điều lệ doanh nghiệp; ông Đỗ Trung Kiên (con rể) nắm 2,85 triệu cổ phiếu PDC tương ứng 19% vốn điều lệ; bà Lê Thị Hoàng Yến (con gái) nắm hơn 1,4 triệu cổ phiếu tương ứng nắm tỷ lệ 9,37%.
Kinh doanh bết bát, chủ tịch vướng lao lý
Mặc dù nắm trong tay hệ thống khách sạn trải dài khắp đất nước, song việc kinh doanh của Tập đoàn Mường Thanh không ghi nhận kết quả khả quan.
Theo tìm hiểu, tính đến tháng 7/2020, vốn điều lệ của Tập đoàn Mường Thanh đạt 2.689 tỷ đồng. Ông Lê Thanh Thản sở hữu 68,54%; bà Lê Thị Hoàng Yến sở hữu 19%. Các cổ đông khác là ông Đỗ Trung Kiên và ông Lê Hải An nắm lần lượt 8,406% và 4,054%.
Tháng 9/2022, vốn điều lệ của Tập đoàn Mường Thanh tăng lên 2.799,25 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, trước đại dịch Covid-19, thời điểm "vàng" của du lịch, doanh thu của của tập đoàn này gia tăng đều qua các năm từ 2016-2019. Đỉnh điểm, năm 2019, Mường Thanh ghi nhận doanh thu 1.570 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi khấu trừ các chi phí, doanh nghiệp này đã lỗ liên tiếp trong các năm 2016, 2017 và 2018. Chỉ duy nhất vào năm 2019, Mường Thanh mới lãi trở lại 33 tỷ đồng.
Năm 2020, khi đại dịch xuất hiện, các doanh nghiệp khách sạn có quy mô lớn như Mường Thanh đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện tại, vẫn chưa thể đánh giá được mức độ phục hồi của chuỗi khách sạn này do các báo cáo về tình hình tài chính của Mường Thanh sau khoảng thời gian trên vẫn chưa được hé mở, đặc biệt trong bối cảnh Chủ tịch Lê Thanh Thản đang vướng vào lao lý.
Song song đó, một doanh nghiệp khách sạn khác của nhà ông Thản là Công ty Cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông (PDC) cũng không tránh khỏi cú sốc từ du lịch. Doanh nghiệp này là đơn vị quản lý khách sạn Mường Thanh Grand Phương Đông (vẫn thường được gọi theo tên cũ là khách sạn Phương Đông).
Theo báo cáo tài chính, PDC đã lỗ liên tiếp trong 2 năm 2020-2021 lần lượt 8,6 tỷ đồng và 14,8 tỷ đồng. Bước sang 2022, doanh nghiệp báo lãi gần 5 tỷ đồng và tăng dần lên 6,8 tỷ đồng năm 2023.
Tính đến quý II/2024, PDC đạt 11,4 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế quý II còn 2,1 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Công ty cho biết, nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 515 triệu đồng (tăng chi phí lương cho toàn bộ cán bộ công nhân viên khách sạn).
Tổng nợ phải trả của PDC là 120 tỷ đồng, chiếm gần 46% tổng tài sản của doanh nghiệp. Năm nay, công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu tăng lên 58,3 tỷ đồng; lãi trước thuế 8,4 tỷ đồng; tuy nhiên, mục tiêu lãi sau thuế cả năm đạt 6,7 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức thực hiện 6,8 tỷ đồng trong năm 2023.
Hàng loạt sai phạm của thương hiệu Mường Thanh
Đi cùng thương hiệu khách sạn, Tập đoàn mang tên Mường Thanh thời gian qua dính không ít tai tiếng.
Cuối tháng 7 vừa qua, tỉnh Khánh Hòa đã kiểm tra loạt khách sạn của tập đoàn Mường Thanh, gồm: Khách sạn căn hộ cao cấp Oceanus, Khách sạn Mường Thanh Luxury Nha Trang và Tổ hợp Khách sạn - căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa.
Năm 2022, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự về "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại dự án khách sạn và căn hộ cao cấp OCEANUS của Tập đoàn Mường Thanh.
Không chỉ Khánh Hoà, Đà Nẵng cũng đang xử lý công trình sai phạm về trật tự xây dựng đối với Tổ hợp Khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà.
Tháng 5/2023, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã chỉ ra nhiều sai phạm của tổ hợp khách sạn Mường Thanh Quảng Nam, trong đó có việc doanh nghiệp này thuê đất đã giải phóng mặt bằng không qua đấu giá không đúng quy định.
Tại Cà Mau, Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, có nhiều vi phạm trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, chứng chỉ quy hoạch, giao đất, xây dựng công trình khi triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao Mường Thanh Cà Mau.
Thậm chí, tại Phú Quốc, tập đoàn này đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành Khách sạn Mường Thanh Phú Quốc dù chưa có giấy phép xây dựng.
Khách sạn này được xây dựng trên 1 lô đất thuộc Dự án Sonasea Villas & Resort do CEO Group là chủ đầu tư. Sau hơn một năm xây dựng, tháng 12/2016, Mường Thanh Phú Quốc đã đi vào hoạt động.
Chủ tịch Mường Thanh, ông Lê Thanh Thản bị truy tố về tội lừa dối khách hàng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án CT6 Kiến Hưng, phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội. Theo khung truy tố ở tội này, hành vi lừa dối khách hàng có thể bị phạt tiền từ 100-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm tù.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận