Tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo |
Ngày 26/4, Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay đầu tiên do nước này tự nghiên cứu và chế tạo. Theo giới quan sát, sự kiện này cũng thể hiện một điều đáng chú ý là Bắc Kinh đang hiện thực hóa tham vọng mở rộng năng lực hải quân, vươn ra các đại dương bởi tàu sân bay là một trong những biểu tượng của các siêu cường quân sự.
Tàu sân bay “made-in-China”
Truyền thông Trung Quốc ngày 26/4 cho hay, tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc đóng tại cảng Đại Liên, nằm ở phía Đông Bắc nước này. Theo dự đoán của các chuyên gia quân sự, phải đến năm 2020, tàu này mới đi vào hoạt động vì cần thời gian lắp đặt các trang thiết bị quân sự cũng như thử nghiệm.
Tân Hoa Xã cho rằng, việc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được hạ thủy thành công “thể hiện khả năng thiết kế và chế tạo hàng không mẫu hạm hải quân của Trung Quốc đã đạt được kết quả đáng kể”. Lễ hạ thủy có sự tham gia của Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc - Tướng Phạm Trường Long.
Lâu nay, Trung Quốc rất hạn chế tiết lộ các thông tin về chương trình chế tạo tàu sân bay vì Bắc Kinh coi đây là bí mật quốc gia. Dù vậy, Chính phủ Trung Quốc từng chia sẻ, thiết kế tàu được đúc rút từ tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh - vốn mua lại từ Ukraine vào năm 1998 và được tái trang bị tại Trung Quốc. Tàu sân bay mới có lượng giãn nước 50 nghìn tấn, có khả năng phục vụ hoạt động của các máy bay chiến đấu Thẩm Dương J-15.
Về vai trò của con tàu chưa được đặt tên này, theo Tân Hoa Xã, trước hết, nó góp phần thể hiện tầm quan trọng hàng đầu của Hải quân Trung Quốc vốn đang phát triển mạnh trong nhiều năm gần đây.
Chính quyền đảo Đài Loan từng cho rằng, Trung Quốc thực chất đang chế tạo hai tàu sân bay mới nhưng đến nay Trung Quốc mới chỉ chính thức xác nhận sự tồn tại của một tàu sân bay. Đài Bắc cho rằng, Trung Quốc cần ít nhất 6 tàu sân bay và hệ thống căn cứ khắp thế giới để hỗ trợ các hoạt động của Bắc Kinh ở nước ngoài.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc luôn phủ nhận mọi nhận định cho rằng Bắc Kinh muốn tăng cường hiện diện quân sự trên toàn thế giới để chạy đua với Mỹ cũng như hỗ trợ chiến lược bành trướng lãnh thổ như đã từng làm ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Khả năng đối trọng với tàu Mỹ, Nhật
Tờ Nikkei của Nhật từng có bài viết nhận định về năng lực của tàu sân bay “made in China” đầu tiên. Trong đó, tờ báo Nhật cho rằng, dù Trung Quốc khẳng định đây là bước tiến công nghệ vững chắc của Bắc Kinh nhưng về ngắn hạn, con tàu này không phải là mối đe dọa lớn đối với Hải quân Nhật Bản hoặc Mỹ.
Theo báo Nikkei, khi được hạ thủy, tàu sẽ hoạt động như một căn cứ nổi, tăng cường khả năng của Trung Quốc về tự vệ, tấn công và phòng thủ trên biển. Ngoài ra, tàu cũng có thể tham gia các hoạt động cứu hộ thảm họa.
Tuy nhiên, các tàu sân bay hiếm khi hoạt động mà không có tàu hộ tống hoặc máy bay phòng thủ theo sát để hình thành nên các nhóm tàu sân bay tấn công như của Hải quân Mỹ. Đây chính là điều Bắc Kinh chưa làm được. Khả năng của máy bay tuần tra chống tàu ngầm của Trung Quốc còn kém xa so với năng lực của các phương tiện tương tự do Mỹ và Nhật Bản chế tạo. Do đó, trong trường hợp xảy ra xung đột tàu sân bay Trung Quốc dễ bị tàu ngầm tấn công.
Dù vậy, báo Nhật thừa nhận rằng Trung Quốc có tầm nhìn rất xa về các vấn đề an ninh quốc gia. Bắc Kinh có thể sẽ tìm mọi cách để học hỏi công nghệ phát triển hệ thống phóng máy bay qua nhiều kênh khác nhau kể cả nghe lén hoặc chiến tranh mạng. Công nghệ đó sẽ cho phép Trung Quốc đưa thêm nhiều tên lửa lên tàu sân bay và gia tăng sức mạnh của các nhóm tàu sân bay tấn công.
Ngoài ra, tàu sân bay là biểu tượng thể hiện niềm kiêu hãnh và sức mạnh quân sự của các nước siêu cường. Một khi bị tấn công sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quốc gia nên phương án triển khai tàu này sẽ là con dao hai lưỡi. Kể cả khi tình hình quân sự tại Đông Á có gia tăng, không nhiều khả năng, Bắc Kinh sẽ đưa tàu sân bay này để đối đầu với Mỹ hay Nhật, ít nhất trong tương lai gần.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận