Bạn cần biết

Sỏi thận, coi chừng biến chứng do chủ quan

06/07/2018, 16:05

Khoảng 50% bệnh nhân có sỏi sau khi được can thiệp lấy sỏi bị tái phát sau 5 - 10 năm.

6

Theo các bác sĩ, nếu phát hiện sớm, việc điều trị sỏi thận rất đơn giản

Bé 2 tuổi bị sỏi thận, cha mẹ nhầm con bị giun

Thấy cậu con trai 5 tuổi thường hay than đau bụng, chị Trần Vân A. (Hoàng Mai, Hà Nội) cứ nghĩ con đau bụng do giun nên mua thuốc tẩy giun cho con uống. Thế nhưng, cậu bé không hết đau bụng lại chuyển sang sốt. Lúc này chị mới mang con đi khám, qua siêu âm, bác sĩ phát hiện trong thận của cậu bé có định hình viên sỏi kích thước nhỏ.

Tương tự là tình trạng cậu bé Nguyễn Thành Tr. (10 tuổi, Thanh Xuân, HN) được mẹ đưa đi khám khi có dấu hiệu đau bụng nhiều ngày, kèm theo sốt và đi tiểu đục, thỉnh thoảng đau buốt khi đi tiểu tiện. Qua thăm khám, bé Tr. được xác định có sỏi trong đường tiết niệu.

Cũng mới đây, bệnh nhân Trần Duy Tr. (60 tuổi) nhập viện trong tình trạng đau nhiều ở vùng hông phải, thận phải lớn hơn quá mức so với bình thường và bị đau. Tiến hành kiểm tra cùng với kết quả chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện cả hai bên thận của bệnh nhân đều có sỏi, ứ nước và chỉ định phẫu thuật lấy sỏi khẩn cấp. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 giờ, với tổng số sỏi được nhặt ra khỏi thận lên tới gần 100 viên.

Theo BS. Nguyễn Quang Cừ, chuyên khoa Tiết niệu, BV ĐK An Việt, trẻ 5 - 10 tuổi có sỏi thận không phải hiếm gặp; thậm chí, ông đã từng thăm khám cho bệnh nhi mới 2 tuổi đã bị sỏi thận. Khi trẻ bị sỏi thận, có thể có triệu chứng như đau vùng bụng hay vùng chạy, kèm buồn nôn, tiểu khó, tiểu đục, sốt. Tuy nhiên, có trẻ không có dấu hiệu đặc trưng mà chỉ phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng.

Ông Cừ lý giải có nhiều nguyên nhân dẫn đến sỏi thận. Sỏi thận hình thành khi các thành phần của nước tiểu là khoáng sản, các chất lỏng và axit mất cân bằng, kết dính với nhau hình thành viên sỏi. Ở trẻ em có nhiều nguyên nhân dẫn đến sỏi thận, thường gặp nhất là do các bệnh gây rối loạn chuyển hóa như: Rối loạn enzyme, hội chứng ống thận… Bên cạnh đó, những trẻ thường bị nhiễm trùng đường tiểu, có bất thường những chỗ hẹp tự nhiên của đường tiết niệu (hẹp khúc nối bể thận - niệu quản, hẹp khúc nối bàng quang - niệu quản) hay những bệnh lý gây cản trở sự tống xuất nước tiểu như bàng quang thần kinh... cũng là điều kiện thuận lợi để tạo sỏi.

“Nếu phát hiện sớm việc điều trị sỏi thận khá đơn giản. Tùy thuộc vào sỏi thận cấp độ nặng hay nhẹ, kích thước của viên sỏi mà bác sĩ sẽ có phương pháp tán sỏi phù hợp. Người mắc bệnh sỏi thận nếu không điều trị kịp thời có thể có những biến chứng nguy hiểm, thầm lặng vì viên sỏi sẽ to lên và cản trở đường bài tiết nước tiểu, làm cho chức năng thận hư hại dần”, ông Cừ cho biết.

Cẩn trọng teo thận khi dùng thuốc nam chữa sỏi thận

Tại Khoa Thận tiết niệu, BV Bạch Mai tiếp nhận không ít ca bệnh tái nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thậm chí, suy thận, teo thận sau khi từ chối điều trị tại bệnh viện và bỏ về nhà tự ý dùng thuốc nam theo thầy lang.

Theo BS. Đỗ Gia Tuyển, Trưởng khoa Thận tiết niệu, BV Bạch Mai cho biết, một số bài thuốc nam cũng có tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên, việc điều trị phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Đông y có chứng chỉ hành nghề, có kinh nghiệm chữa bệnh và những bài thuốc Đông y đó phải được nghiên cứu chứ không thể dùng theo kiểu truyền tai bằng các loại lá cây như lời quảng cáo.

Theo khuyến cáo của ông Tuyển, khi bị sỏi thận, đầu tiên phải khám để xác định thực trạng của sỏi để có giải pháp điều trị. Tuy nhiên, đây cũng là bệnh lý rất hay tái phát. Theo thống kê, có khoảng 50% bệnh nhân có sỏi sau khi được can thiệp lấy sỏi bị tái phát sau 5 - 10 năm. Vì thế, việc khám định kỳ sau khi lấy sỏi là rất quan trọng đề phòng sỏi tái phát, phát hiện kịp thời các dấu hiệu suy thận do biến chứng của sỏi. Còn nếu bệnh nhân muốn dùng thuốc nam, trước hết cần xét nghiệm chức năng thận có ổn không và lựa chọn dùng thuốc tại các cơ sở thuốc đông y được cơ quan chức năng chứng nhận.

Để phòng tránh sỏi thận, theo BS. Tuyển, mọi người cần uống đủ nước, bởi nhiều người có thói quen uống ít nước, nhưng sống ở vùng nóng, bài tiết ra nhiều mồ hôi khiến lượng nước tiểu ít đi cũng có nguy cơ gây sỏi thận. Bên cạnh đó, một số loại bệnh có thể gây ra sỏi thận như gút, rối loạn chuyển hoá, dị dạng đường tiết niệu, tăng canxi máu… thì phải điều trị, giải quyết những căn nguyên này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.