Máy bay Solar Impulse 2 trong chuyến bay thử nghiệm tại Thụy Sĩ ngày 13/11. |
Tiếp nối thành công của máy bay năng lượng Mặt Trời đời đầu Solar Impulse, Solar Impulse 2 sẽ thực hiện sứ mệnh mang tính cách mạng với chuyến bay vòng quanh thế giới kéo dài từ tháng 3 - 7/2015.
Theo lịch trình dự kiến, Solar Impulse 2 sẽ xuất phát từ vùng Vịnh để tận dụng điều kiện thời tiết mây thấp ở Trung Đông, sau đó sẽ bay qua biển Ảrập để tới Ấn Độ, Myanmar và Trung Quốc trước khi vượt Thái Bình Dương, qua Mỹ, Đại Tây Dương, Nam Âu, cuối cùng là Bắc Mỹ, rồi trở về điểm xuất phát. Mục tiêu đặt ra cho Solar Impulse 2 là bay liền hơn 120 giờ, tức 5 ngày và 5 đêm mỗi chặng, để máy bay có thể vượt qua Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Vận tốc ban đêm được hạn chế ở mức 46km/h nhằm tránh pin cạn kiệt quá nhanh.
Solar Impulse 2 có cấu tạo bằng sợi cácbon, nặng 2,3 tấn, sử dụng 4 động cơ 17,5 mã lực được cấp điện nhờ 17.248 viên pin Mặt Trời lắp dọc thân máy bay và một sải cánh dài 72 mét, tương đương sải cánh của máy bay Airbus A380.
Ý tưởng chế tạo máy bay năng lượng Mặt Trời do nhà khoa học và khám phá dòng dõi hoàng gia Thụy Sỹ, Bertrand Piccard và cựu phi công người đồng hương Andre Borschberg cùng thực hiện. Năm 1999, Piccard từng làm nên lịch sử khi trở thành người đầu tiên bay vòng quanh thế giới bằng khinh khí cầu khí nóng, theo Tin Tức.
Máy bay Solar Impulse. |
Trước đó, chiếc máy bay chạy bằng năng lượng Mặt Trời có người lái đầu tiên Solar Impulse đã thiết lập kỷ lục mới về khoảng cách bay với việc hoàn thành chặng đường dài 1.541km. Trong một thông báo của ban tổ chức, Solar Impulse đã hạ cánh xuống thành phố Dallas-Fort Worth thuộc bang Texas sau khi vượt qua chặng đường kỷ lục nói trên trong 18 giờ và 21 phút từ thành phố Phoenix của bang Arizona, theo Vietnam+.
Với chiều dài quãng đường bay này, Solar Impulse đã tự phá vỡ kỷ lục thiết lập năm ngoái khi thực hiện chuyến bay dài 1.116km từ Thụy Sĩ đến Tây Ban Nha.
Phát biểu sau khi hạ cánh xuống Dallas-Fort Worth, chặng dừng chân thứ hai trong hành trình xuyên nước Mỹ của Solar Impulse, một trong hai phi công là Andre Borschberg chia sẻ hành trình này là một thử thách đặc biệt bởi lẽ đây là chuyến bay dài nhất đối với một máy bay hoạt động bằng năng lượng mặt trời, bay cả ngày lẫn đêm và phải đối mặt với tình trạng gió khá lớn khi hạ cánh.
Ngoài những trở ngại về thời tiết, hai phi công cũng đã phải thức hơn 20 tiếng đồng hồ mà không có sự hỗ trợ của chế độ bay tự động.
Đặc điểm nổi bật của Solar Impulse là có cấu tạo siêu nhẹ, có bốn động cơ điện và hệ thống 12.000 tấm pin Mặt Trời, vừa giúp cung cấp năng lượng cho động cơ máy bay, vừa có khả năng nạp nhiên liệu dự trữ giúp máy bay có thể bay cả ngày lẫn đêm. Với các pin dự trữ, Solar Impulse có thể bay liên tục trong ba ngày đêm với tốc độ lên tới 70km/giờ, đạt độ cao 8.230m vào ban đêm.
M.N (Tổng hợp)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận