"Điểm đen" TNGT
Rạng sáng 15/10, trên đường dẫn phía Nam hầm Hải Vân 1 xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe khách và xe đầu kéo container làm 2 người tử vong tại chỗ và khoảng 20 người bị thương phải nhập viện cấp cứu. Nguyên nhân ban đầu được xác định do xe khách lấn làn vượt ẩu gây tai nạn.
Đây chỉ là một trong nhiều vụ TNGT xảy ra tại khu vực đường dẫn vào hầm Hải Vân 1 trong nhiều năm qua. Theo thống kê của Xí nghiệp quản lý vận hành hầm Hải Vân (đơn vị quản lý vận hành hầm Hải Vân), tính riêng từ ngày 1/1/2020 - 30/9/2020, tại khu vực hầm Hải Vân xảy ra 18 vụ TNGT, làm chết và bị thương nhiều người.
Ông Lê Châu Thắng, Giám đốc Xí nghiệp quản lý vận hành hầm Hải Vân cho biết, trong nhiều năm qua, Ban Quản lý vận hành hầm Hải Vân đã ứng trực, giải quyết rất nhiều sự cố và TNGT, thậm chí có những sự cố “giải cứu” chỉ tính bằng phút. Tuy nhiên, nỗ lực của đơn vị quản lý vận hành hầm Hải Vân cũng chỉ mang tính tình thế nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại từ các vụ TNGT gây ra.
Theo PGS.TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), để xóa "điểm đen" tai nạn khu vực qua hầm Hải Vân, cần sớm đưa ống hầm Hải Vân 2 vào khai thác.
“Hầm Hải Vân và đường dẫn hiện đang chỉ khai thác, vận hành với một ống hầm cho 2 làn xe chạy ngược chiều, mỗi làn rộng 3,5m và đã mãn tải từ nhiều năm qua. Chỉ khi nào ống hầm Hải Vân 2 được đưa vào khai thác, cho phép phương tiện lưu thông một chiều trên hai làn xe theo mỗi hướng trong từng ống hầm riêng biệt, lúc đó mới có thể kéo giảm TNGT qua khu vực hầm Hải Vân”, ông Chủng nói.
Kiến nghị phương án xử lý
Ông Phan Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (nhà đầu tư hầm Hải Vân 2) cho biết, theo hợp đồng ký kết giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư, dự án mở rộng hầm Hải Vân 2 sẽ hoàn thành vào 31/12/2020.
Thời gian qua, nhà đầu tư và các nhà thầu đã nỗ lực tối đa để đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến hoàn thành đưa công trình vào khai thác vào tháng 9/2020, vượt tiến độ so với hợp đồng khoảng 3 tháng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Đà Nẵng, thời gian đưa ống hầm thứ 2 hầm Hải Vân vào khai thác phải lùi lại sang quý 4/2020.
Cũng theo ông Thắng, ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự án còn đang gặp nhiều khó khăn về phương án tài chính do chưa được bố trí 1.180 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ và điều chỉnh cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Tuý Loan như hợp đồng BOT đã ký, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn và nguồn thu, qua đó dẫn đến phương án tài chính không bảo đảm.
“Khó khăn này dẫn tới nhiều hạng mục của hầm Hải Vân 2 có thể bị chậm hoàn thành, cũng như không đủ kinh phí duy tu bảo trì và vận hành hầm Hải Vân đang khai thác”, ông Thắng chia sẻ.
Theo thông tin của Báo Giao thông, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2018 đến nay, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan liên quan nghiên cứu giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo phương án tài chính của dự án và đã có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Bộ GTVT đã phối hợp với nhà đầu tư thực hiện rà soát tổng thể phương án tài chính, các cam kết trong hợp đồng dự án và phân tích đầy đủ về cơ sở pháp lý, sự cần thiết đối với các giải pháp đề xuất (gồm bố trí 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ dự án và điều chỉnh cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan). Bộ GTVT cũng lấy ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, các Bộ KH&ĐT, Tài chính, ngân hàng cung cấp tín dụng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Để xử lý vướng mắc tại dự án này, cuối tháng 9/2020, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để thống nhất giải pháp xử lý.
Công trình mở rộng hầm Hải Vân là một hợp phần thuộc dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả. Theo hợp đồng ký kết, dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả gồm 4 công trình: Hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân với tổng mức đầu tư khoảng 26.154 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn Nhà nước tham gia vào dự án là 5.048 tỷ đồng, còn lại 21.106 tỷ đồng là vốn huy động của nhà đầu tư. Đồng thời, tại Văn bản 70 ngày 12/1/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bố trí 7 trạm thu phí hoàn vốn cho dự án gồm: An Dân (Bàn Thạch), Đèo Cả, Ninh Lộc (Ninh An), Cù Mông, Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan và Bắc Hải Vân.
Tuy nhiên, đến nay, nguồn vốn ngân sách Nhà nước chưa được hỗ trợ cho dự án còn khoảng 1.180 tỷ đồng và trạm La Sơn - Túy Loan vẫn chưa được chấp thuận để thu phí hoàn vốn cho dự án khiến phương án tài chính dự án BOT hầm Đèo Cả đang bị phá vỡ so với hợp đồng đã ký kết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận