Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại cuộc họp |
Chiều nay (26/7), Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình theo hình thức BOT.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, dự án Hòa Lạc – Hòa Bình là công trình rất quan trọng và được nhiều địa phương quan tâm, đặc biệt là tỉnh Hòa Bình. “Dự án đang gặp vướng mắc GPMB ở cả hai địa phương Hòa Bình và TP. Hà Nội. Cộng với việc thay đổi một số phương án thiết kế, khối lượng và phương án tài chính. Hơn nữa, sự phối hợp giữa nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn còn nhiều vấn đề chưa thống nhất, dẫn tới nguốn vốn giải ngân cho dự án trong 9 tháng qua rất khó khăn”, Bộ trưởng nói và cho biết, nếu các đơn vị không cùng nhau vào cuộc để tháo gỡ khó khăn thì mục tiêu hoàn thành dự án trong năm 2017 sẽ chậm.
Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, dự án đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước quan tâm giải ngân cho dự án. Trên cơ sở đó, người đứng đầu ngành GTVT đề nghị chính quyền TP. Hà Nội và tỉnh Hòa Bình khẩn trương vào cuộc chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm, bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công. Bộ trưởng yêu cầu, nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn phải đồng hành, phải đặt lợi ích chung lên trên để cùng nhau tháo gỡ các vướng mắc.
“Nhà đầu tư và Ngân hàng tài trợ đã bỏ tiền ra rồi, thì phải bảo vệ đồng tiền đó, cách tốt nhất là phải thúc đẩy dự án sớm đi vào khai thác, bởi càng kéo dài hiệu quả sẽ càng chậm. Riêng về phương án tài chính của dự án, Bộ GTVT cùng với nhà đầu tư và ngân hàng sẽ khẩn trương tính toán lại, việc này phải làm sớm”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói và yêu cầu, đối với khoản 229 tỷ đồng đã có đầy đủ hồ sơ, nhà đầu tư, nhà thầu chuyển sớm để ngân hàng ưu tiên giải quyết.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện tất cả những hồ sơ phải điều chỉnh do thời gian dự án kéo dài và phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, ngân hàng trong việc điều chỉnh nội dung hợp đồng,…
Trước đó, ông Lưu Việt Khoa, Phó giám đốc Ban QLDA2 (đại diện CQNNCTQ) cho biết, tình hình thi công đường Hòa Lạc – Hòa Bình (dài 25,7km) đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Cụ thể, mặt bằng của dự án hiện còn vướng khoảng 80m qua địa phận Hòa Bình và 750m đoạn qua TP. Hà Nội.
Về tình hình thi công, ông Khoa cho biết, từ tháng 10/2016, các nhà thầu đã triển khai thi công mặt đường bê tông nhựa nhưng do ngân hàng tài trợ vốn ngừng giải ngân từ tháng 9/2016 nên đến nay mới hoàn thành 85% khối lượng công việc yêu cầu.
“Hiện, khối lượng thi công đã hoàn thành có giá trị khoảng 229 tỷ đồng đã đầy đủ hồ sơ, thủ tục nhưng chưa được ngân hàng và nhà đầu tư giải ngân cho các nhà thầu”, ông Khoa chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Đăng Giáp, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty 36 (nhà đầu tư dự án) cho biết, nguyên nhân dẫn tới tình trạng tiến độ dự án triển khai chậm chủ yếu do vướng mắc trong công tác GPMB của các địa phương và việc thay đổi phương án tài chính nên ngân hàng SHB (đơn vị tài trợ vốn) ngừng giải ngân hơn 9 tháng qua. Đồng thời, ông Giáp đề nghị Bộ GTVT xem xét, tính toán lại phương án tài chính của dự án.
“Theo phương án tài chính trong hợp đồng BOT, từ năm 2018, bình quân mỗi tháng doanh nghiệp dự án phải trả lãi cho ngân hàng tối thiếu 23,48 tỷ đồng, trong khi 6 tháng đầu năm 2017, trung bình mỗi tháng chúng tôi chỉ thu được 8,2 tỷ đồng từ thu phí”, ông Giáp thông tin.
Dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình có tổng mức đầu tư 2.989,12 tỷ đồng, do liên danh Tổng công ty 36 - Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội - Công ty CP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc làm nhà đầu tư. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận