Tuyến đường liên vùng
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dự án nâng cấp tuyến ĐT958 ở An Giang có tổng chiều dài 18,8km, khởi công ngày 15/8/2023.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 260 tỷ đồng. Điểm đầu của dự án giao với tuyến ĐT948 tại thị trấn Tri Tôn (An Giang) và điểm cuối giáp ranh tại cầu Ninh Phước (Kiên Giang).
Tuyến đường hoàn thành việc nâng cấp ngày 15/7/2024 mang đến nhiều thuận lợi trong việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa của người dân giữa hai tỉnh An Giang và Kiên Giang.
Ông Huỳnh Văn Thọ (50 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) cho biết, tuyến đường hoàn thành việc nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi lại, đặc biệt là dịp lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua.
"Hiện tại, từ tỉnh An Giang qua tỉnh Kiên Giang đi lại rất thuận tiện. Ví dụ như, dịp lễ vừa qua, tôi cùng gia đình đi từ huyện Tri Tôn qua tuyến đường này để ghé tham quan bãi biển Hà Tiên, rất thuận lợi", ông Thọ nói.
Trong khi đó, anh Vũ Tường Quân (34 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang), tài xế xe tải chia sẻ: "Trước đây, việc chở hải sản từ tỉnh Kiên Giang qua các chợ đầu mối ở tỉnh An Giang khó khăn do đường xuống cấp. Nay tuyến đường được nâng cấp, mở rộng và bằng phẳng, tôi chở hàng đi lại thuận tiện và đỡ tốn chi phí hơn".
Sớm gỡ vướng mặt bằng
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang (chủ đầu tư) cho biết, tuyến ĐT958 hay còn được gọi là tuyến Tri Tôn - Vàm Rầy.
Dự án có quy mô mặt cắt ngang dao động từ 8m đến 14,5m. Tuyến đường được thiết kế đường ô tô cấp IV đồng bằng, vận tốc thiết kế 60km/h, chiết giảm còn 40km/h tại đường đầu cầu và cầu hiện hữu đi qua khu vực đông dân cư.
Theo Quyết định số 2817/QĐ-UBND ngày 18/11/2022 của UBND tỉnh An Giang, dự án không có chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chỉ đầu tư nâng cấp cải tạo trên nền đường hiện hữu rộng khoảng 9m.
Dự án không nâng cao mặt đường, chỉ bù vênh những chỗ oằn lún cho bằng phẳng. Sau đó, nhà thầu thi công thảm bê tông nhựa nóng rộng 8m và thực hiện gia cố lề thêm mỗi bên 0,5m.
Hiện trạng ban đầu, người dân hai bên đường xây dựng hàng rào để cây kiểng, bảng hiệu và một số vật kiến trúc khác lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, ảnh hưởng phạm vi thi công.
Do vậy, đến thời điểm này, dự án vẫn còn 3 vị trí chưa được hộ dân đồng ý bàn giao mặt bằng. Cụ thể từ Km 3+238.5 đến Km 3+280, Km 4+780 đến Km 4+808.5 và Km 6+081 đến Km 6+131.
Việc chưa thể giải phóng mặt bằng theo kế hoạch thi công dẫn đến mặt đường tại vị trí vướng mặt bằng bị lồi lõm (mặt đường chưa đồng bộ) làm mất an toàn giao thông.
"Liên quan đến vấn đề này, Ban cũng đã có kiến nghị UBND huyện Tri Tôn hỗ trợ vận động các hộ dân còn lại sớm bàn giao mặt bằng hoặc sẽ có biện pháp chế tài theo quy định để tuyến đường được thi công hoàn thiện", lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang thông tin.
Ông Nguyễn Văn Bé Tám, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn (An Giang) cho biết, sau khi trao đổi, bàn bạc và thống nhất hồ sơ, pháp lý với các đơn vị liên quan, huyện sẽ bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công hoàn thành tuyến ĐT958 theo quy định trong thời gian sớm nhất.
Tuyến đường có quy mô mặt cắt ngang của công trình dao động từ 8-14,5m. Tuyến đường được thiết kế đường ô tô cấp IV đồng bằng, vận tốc thiết kế 60km/h, chiết giảm còn 40km/h tại đường đầu cầu và cầu hiện hữu đi qua khu vực đông dân cư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận