Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đi khảo sát khu vực triển khai CHK quốc tế Long Thành ngày 9/7/2016 - Ảnh: Vĩnh Phú |
Ngày 15/11, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đồng Thanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai cho biết, Quốc hội đã thông qua nguồn vốn bố trí 5.000 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi thường GPMB, đây là tín hiệu vui đối với dự án CHK quốc tế Long Thành. Nếu được bố trí sớm sẽ là đòn bẩy đẩy nhanh công tác giải tỏa và xây dựng các khu tái định cư phục vụ đầu tư dự án.
Sớm thống nhất cơ chế đặc thù
Theo ông Nguyễn Đồng Thanh, ngày 8/11, Bộ TN&MT đã có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai về cơ chế đặc thù trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án CHK quốc tế Long Thành. Tại buổi làm việc, nhiều nội dung trong Đề án Cơ chế đặc thù đã được các bộ, ngành thống nhất thông qua. Tuy nhiên, một số nội dung đang tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện trên cơ sở những ý kiến, đóng góp của các bộ, ngành liên quan. “Hiện, Sở TN&MT và Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành xử lý những điểm còn chưa thống nhất để Hội đồng thẩm định sớm thông qua. Nếu việc thẩm định Đề án Cơ chế đặc thù bồi thường, hỗ trợ tái định cư chậm trễ sẽ kéo theo việc khởi công dự án CHK quốc tế Long Thành chậm lại”, ông Thanh lo ngại.
Để phục vụ việc kết nối giao thông khi CHK quốc tế Long Thành đưa vào khai thác, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông kết nối với sân bay như: Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 - TP HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, đường sắt đô thị Thủ Thiêm - sân bay Long Thành. |
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tách nội dung công tác bồi thường, GPMB tái định cư thành tiểu dự án riêng và giao cho địa phương làm chủ đầu tư. Tỉnh cũng đề nghị chấp thuận cho UBND tỉnh Đồng Nai lập thủ tục thu hồi đất ngay trong năm 2016 để thực hiện đầu tư xây dựng hai khu tái định cư: Lộc An - Bình Sơn và Bình Sơn tại huyện Long Thành. Bên cạnh việc xây dựng khung chính sách theo Điều 87, Luật Đất đai năm 2013, Đồng Nai xây dựng cơ chế đặc thù nhằm bổ sung các cơ chế, chính sách mà pháp luật chưa quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Hỗ trợ đào tạo nghề để có thể đẩy nhanh tốc độ GPMB.
Cần phải nói rằng, nếu chiểu theo Luật Đầu tư công (2014), Luật Xây dựng (2014) và Luật Đất đai (2013), sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư (dự kiến sớm nhất vào giữa năm 2018), Thủ tướng mới xem xét cho tách tiểu dự án GPMB, bàn giao cho địa phương làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Đồng Nai, ngay cả khi gặp nhiều thuận lợi, phải sau ba năm (đến năm 2021) mới có thể bàn giao mặt bằng cho TCT Cảng Hàng không VN (ACV), do đó khó đáp ứng yêu cầu của Quốc hội là đưa CHK quốc tế Long Thành vào sử dụng năm 2025.
Đề xuất dùng 1.000 tỷ đồng thặng dư của SCIC xây khu tái định cư
Trước mắt, để có nguồn vốn thực hiện đầu tư xây dựng hai khu tái định cư di dời các hộ dân có tổng kinh phí lên tới 5.440 tỷ đồng, Đồng Nai xin sử dụng nguồn kinh phí thặng dư của Tổng công ty Đầu tư và phát triển kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) khoảng 1.000 tỷ đồng. Trường hợp chưa bố trí được vốn để đảm bảo tiến độ dự án, cho phép Đồng Nai vay vốn từ ngân hàng thương mại vốn vay và lãi vay được tính vào tổng mức đầu tư dự án.
Theo ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Quốc hội đã có nghị quyết GPMB luôn 5.000ha để ổn định cuộc sống người dân và tránh tăng chi phí. Do đó, việc thực hiện cơ chế đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nguồn vốn để tỉnh đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, GPMB, tái định cư là rất cấp bách.
Trước đó, để thúc đẩy sớm triển khai dự án, đầu tháng 7 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai. Tại đây, Phó thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng CHK quốc tế Long Thành phải tập trung tiến hành khẩn trương, làm càng nhanh càng tốt. Phó thủ tướng yêu cầu tối đa đến năm 2019 phải khởi công dự án này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận