Thứ trưởng Nguyễn Văn Công kiểm tra thực địa tại cảng Hải Phòng |
Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, cảng Hoàng Diệu (thuộc hệ thống cảng Hải Phòng được Pháp xây dựng từ thế kỷ XIX) sẽ phải di dời để thực hiện quy hoạch đô thị Bắc sông Cấm của TP Hải Phòng. Từ tháng 1, UBND TP Hải Phòng đã khởi công xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ bắc qua sông Cấm nối nội thành Hải Phòng với huyện Thủy Nguyên.
Ông Phùng Xuân Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP cảng Hải Phòng cho biết: “Cảng Hoàng Diệu là cửa ngõ chính ra biển của các tỉnh miền Bắc, lượng hàng hóa qua cảng đạt khoảng 10 triệu tấn/năm. Ước tính nguồn thu thuế xuất nhập khẩu qua cảng Hoàng Diệu là khoảng 10 nghìn tỷ đồng/năm”.
Một điểm đáng chú ý nữa là cảng Hoàng Diệu hiện là cảng duy nhất trong cả nước có hệ thống đường sắt kết nối với hệ thống đường sắt Quốc gia. Đây cũng là cảng có thể xếp dỡ, vận chuyển các mặt hàng Apatít, quặng sắt,… bằng đường sắt. Chiều dài tuyến đường sắt tại đây khoảng 6km và là nơi duy nhất tiếp nhận thiết bị phục vụ cho các dự án lớn như Thủy điện Sông Đà, Sơn La trước đây và nay là các dự án lớn như nhiệt điện Mông Dương, Thái Bình.
Báo cáo của Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, ga tại cảng Hải Phòng nằm trong cảng Hoàng Diệu là khu vực tập kết toa xe để tổ chức dồn tàu xếp dỡ hàng hóa tới cầu cảng, kho bãi các cảng Hoàng Diệu, Chùa Vẽ, Green port…
Chỉ đạo tại buổi làm việc với cảng Hải Phòng và Tổng công ty Đường sắt VN ngày 15/5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công khẳng định: “Việc di dời cảng Hoàng Diệu là chủ trương của Chính phủ, các đơn vị liên quan thuộc Bộ đang phối hợp chặt chẽ với TP Hải Phòng và Công ty CP cảng Hải Phòng khẩn trương hoàn thiện đề án di dời khu bến cảng”. Thứ trưởng Công cũng yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy hoạch liên quan để hoàn thiện đề án di dời cảng Hoàng Diệu báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với những vấn đề cụ thể như di dời 3 cầu cảng để thi công cầu Hoàng Văn Thụ, Thứ trưởng Công cho rằng, cần có đề xuất riêng, trong đó có việc kiểm đếm, định giá tài sản. Những vấn đề cụ thể hơn nữa như tuyến đường sắt trong cảng Hoàng Diệu, những phần nào cảng Hải Phòng quản lý, phần nào thuộc Tổng công ty Đường sắt VN quản lý cũng phải phân tách rõ.
Cũng tại buổi làm việc, ông Phùng Xuân Hà cho biết, hiện cảng Hải Phòng mới chỉ tạm dừng hoạt động chứ chưa bàn giao cho TP Hải Phòng khu vực 2 cầu tàu. Cảng Hải Phòng chỉ bàn giao cho thành phố sau khi đã hoàn thiện các bước kiểm đếm, định giá tài sản, bồi thường, hỗ trợ di dời. Còn đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cũng đề xuất, để bảo đảm kết nối cảng Hải Phòng với đường sắt quốc gia sau khi cảng Hoàng Diệu di chuyển, cần mở rộng đường sắt trong cảng Chùa Vẽ, trong đó xây dựng hệ thống đường sắt có từ 3 - 4 tuyến đường sắt, mỗi đường dài khoảng 300m phục vụ xếp dỡ hàng hóa.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu cảng Hải Phòng và Tổng công ty Đường sắt VN phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương đề xuất phương án bồi thường. Theo đó, đề nghị TP Hải Phòng hoặc Trung ương ứng trước kinh phí di dời. Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng trên cơ sở giải quyết hài hòa giữa lợi ích của TP Hải Phòng với doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận