UBND huyện Vân Hồ đề xuất dán tem để phân biệt đào trồng với đào rừng.
Chiều 12/1, ông Vũ Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ cho biết: Hiện UBND huyện đã báo cáo, đề xuất việc dán tem để phân biệt nguồn gốc đào trồng và đào rừng lên UBND tỉnh Sơn La và đang đợi văn bản chỉ đạo của tỉnh.
Tại địa bàn 2 xã Lóng Luông, Vân Hồ (huyện Vân Hồ) tổng diện tích cây đào là 500 ha, riêng huyện Lóng Luông là 300 ha. Chủ yếu là giống đào pháp để lấy quả và đào bản địa để bán gốc, bán cành phục vụ các dịp Tết mỗi năm.
Với giá trị của cây đào đem lại đã làm thay đổi cuộc sống của nhân dân trên địa bàn huyện nói chung, xã Vân Hồ, Lóng Luông nói riêng. Đồng thời, góp phần thực hiện thành công việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả, cây đào lấy cành.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Tráng A Chu (trú tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) cho biết, nhà nước đề xuất dán tem để phân biệt nguồn gốc đào rừng với đào trồng tạo điều kiện cho bà con có tăng thêm thu nhập như vậy thì rất là tốt.
Tuy nhiên, việc phân biệt đào rừng với đào nhà rất khó vì đa phần người dân trồng đào ở nhà đã được 5 năm rồi. Ông Chu cho biết, hiện trên địa bàn xã Vần Hồ đa phần đều là đào trồng.
Trước đó, trong Hội nghị tổng kết cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cấm tuyệt đối việc chặt phá đào rừng để đón Tết. Đồng thời, các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi để "chơi Tết”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận