Huyện miền núi Vân Hồ (Sơn La) sử dụng tem cho cây đào trồng
Sáng 20/1, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Vũ Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết: Sau khi UBND tỉnh Sơn La có văn bản đề xuất truy xuất nguồn gốc, xuất xứ cây đào trồng, Bộ NN&PTNT đã có văn bản trả lời.
Theo đó, đối với đào rừng, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuyệt đối cấm chặt phá, buôn bán thêm một số loại cây khác.
Cũng theo văn bản của Bộ NN&PTNT, đối với cây đào mà người dân tự bỏ vốn ra để trồng, chính quyền địa phương tạo điều kiện xác nhận nguồn gốc, tránh việc bổ sung thêm thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân”.
Mẫu tem được UBND huyện Vân Hồ sử dụng
Hiện tại, UBND huyện Vân Hồ đã thống nhất và đưa vào sử dụng 2 mẫu tem, mẫu tem vừa giúp để quảng bá và xác nhận đào trồng của huyện Vân Hồ với số lượng khoảng hơn 10.000 nghìn tem, tùy theo nhu cầu có thể sẽ phát hành thêm.
Hai mẫu tem có kích thước 4 x 15cm và 4x 20cm. Kinh phí in tem sử dụng nguồn xã hội hóa, trị giá mỗi tem khoảng 1.000 đồng.
“Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các xã thành lập Tổ rà soát do Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng cùng với trưởng công an xã và trưởng các bản tiến hành rà soát từng hộ, số lượng đào trồng cụ thể, tên, địa chỉ của hộ gia đình trồng đào để cấp phát tem.
Ngoài việc cấp tem, các thương lái đến mua đào tập trung phải có giấy xác nhận việc mua đào ở đâu, mua với hộ gia đình nào, số lượng bao nhiêu… để chứng minh nguồn gốc đào xuất phát từ địa phương để cho việc lưu thông thuận tiện hơn”, ông Hải cho biết thêm.
Theo ông Hải, qua rà soát không có đào rừng mà chủ yếu là đào do người trồng.
Đào được tập kết trên tuyến QL6 vào dịp giáp tết.
Trước đó, ngày 13/1, Sơn La là tỉnh đầu tiên kiến nghị Thủ tướng cho phép địa phương thực hiện truy xuất nguồn gốc, xác định xuất xứ vùng trồng đào trên đất nông nghiệp, không phải đào rừng tự nhiên.
UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cấp, các ngành của địa phương rà soát diện tích cây đào trên địa bàn tỉnh, qua rà soát cho thấy, diện tích cây đào trồng trên 5.000ha, chủ yếu là do đồng bào dân tộc ở vùng cao, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn và trồng trên đất nông nghiệp, vườn nhà, cây đào là nguồn thu nhập của bà con dân tộc từ việc bán đào trong dịp Tết Nguyên đán.
Ngày 18/1 Bộ NN&PTNT đã có văn bản về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp Tết nguyên đán Tân Sửu năm 2021.
Văn bản cũng nêu rõ việc khai thác cây Đào, cây Mai và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng do chủ rừng quyết định việc khai thác theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh tăng cường chỉ đạo, quản lý tại cơ sở; tuyên truyền, vận động không để lợi dụng chặt, phá cây rừng, tùy theo điều kiện cụ thể địa phương trong thời gian trước mắt có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, ánh tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận