"Hôi của" tinh thần người khác
Đầu năm 2014, dư luận xôn xao, khi phát hiện ca sĩ trẻ Hồng Phước đạo - chép -mượn hàng loạt ca khúc. Trong gia tài âm nhạc vỏn vẹn trên dưới 10 ca khúc của Hồng Phước thì có gần một nửa dính nghi án đạo nhạc, ăn cắp ý tưởng. Nếu như với Khi người lớn cô đơn, Hồng Phước bị tố đạo nhạc nước ngoài, thì với Khi chúng ta già anh lại bị “bóc mẽ” lén phổ nhạc từ thơ của nhà thơ Nguyễn Thị Việt Hà mà không xin phép.
Tuy nhiên, chính thái độ cố “chịu đấm ăn xôi”, im lặng để mọi chuyện qua đi rồi ung dung hưởng lợi từ chất xám của người khác của Hồng Phước khiến dư luận bức xúc.
Tiếp đó, Hoàng Tôn, Trang Pháp cũng dính nghi vấn đạo nhạc nước ngoài. Ca khúc Dành cho em do Hoàng Tôn sáng tác có phần beat giống với Only one love của nhóm The One (Hàn Quốc). Butterfly của Mr.T do Trang Pháp thể hiện bị phát giác sao chép nguyên phần beat bài Flower của nhóm B2ST...
Hôm qua (10/6), NS Huy Tuấn - quản lý của Sơn Tùng chính thức lên tiếng sẽ mạnh tay với nam ca sỹ trẻ này sau hàng loạt nghi án đạo nhạc.
|
Mới đây nhất, dư luận không ngừng tranh cãi khi những bản hit của Sơn Tùng M-TP như Cơn mưa ngang qua, Em của ngày hôm qua, Em đừng đi... bị phát hiện có nhiều điểm giống với các ca khúc Hàn Quốc, Nhật Bản. Không chỉ bị soi về vấn đề âm nhạc mà ngay cả phong cách ăn mặc, trình diễn cho đến tóc tai của Sơn Tùng M-TP đều bị “lật tẩy” giống sao Hàn Quốc. Tuy nhiên, câu chuyện chưa dừng lại ở đó khi chính Sơn Tùng M-TP lên tiếng khẳng định: “Việc sử dụng và lấy cảm hứng từ beat nhạc ngoại cũng là cách làm quen thuộc và xu hướng sáng tác hiện nay của nhiều người”.
Cũng từ đây, chủ đề “mượn” beat để sáng tác có phải là “đạo nhạc” hay không đã trở thành đề tài bàn cãi không chỉ trên mạng xã hội mà còn là trong giới chuyên môn. Theo nhạc sĩ Hoài An, Dương Khắc Linh, việc nhạc sĩ - ca sĩ Việt tự ý lấy beat nhạc trên mạng là hành vi vi phạm bản quyền trong Luật Sở hữu trí tuệ.
Trong khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Cường, người đề cử ca khúc Em của ngày hôm qua trong Bài hát yêu thích lại khẳng định, Sơn Tùng không đạo nhạc. “Việc dùng bản hòa âm phối khí có sẵn đã được áp dụng trên thế giới từ cách đây hàng trăm năm. Vì thế, khẳng định Sơn Tùng đạo nhạc hay ăn cắp trí tuệ là không đúng” - nhạc sĩ Nguyễn Cường nói.
Nhạc sĩ Nguyễn Hà cũng cho rằng: “Chuyện Sơn Tùng đã làm cũng là điều bình thường nếu xét theo những "tập tục" của thời nay. Và chuyện báo chí phanh phui, lên án, chỉ trích... cũng rất hợp với "tập quán" trong xã hội loài người”.
Khán giả dung túng cho lỗi lầm của nghệ sĩ
Chuyện của Hồng Phước, Sơn Tùng, một lần nữa lại làm dấy lên những bức xúc về nạn đạo nhạc đã diễn ra bấy lâu nay nhưng vẫn không thể nào dẹp nổi trong làng nhạc Việt. Có lẽ chỉ có nghệ sĩ ở Việt Nam là sướng nhất khi khán giả dễ tha thứ nên dù tai tiếng, nghệ sĩ vẫn phất lên phần phật. Sơn Tùng vẫn vi vu lưu diễn tận trời Nga mặc cho dư luận, giới chuyên môn tranh cãi nảy lửa giữa việc đạo hay không đạo.
Trong khi đó ở nước ngoài, khi bị phát hiện đạo nhạc, nghệ sĩ sẽ bị tẩy chay, thậm chí phải giải nghệ. Chuyện nghệ sĩ Kpop bị mất hợp đồng quảng cáo, cắt vai khỏi các dự án điện ảnh, hay nghiêm cấm xuất hiện trên truyền hình, diễn ra như cơm bữa tại Hàn Quốc. Nữ diễn viên xinh đẹp Kim Hye Soo đã phải cúi đầu, xin lỗi người hâm mộ vì đã đạo luận văn thạc sĩ trong cuộc họp báo.
Ngôi sao loạt phim Transformers Shia LaBeouf cũng đã thuê một công ty dùng máy bay viết thông điệp “Tôi xin lỗi Daniel Clowes” lên bầu trời Los Angeles - Mỹ, để tỏ sự hối lỗi với tác giả Daniel Clowes vì hành vi “đạo văn” trắng trợn của mình. Khán giả trong nước vẫn còn rất xa lạ với việc tẩy chay một show diễn, trả vé đã mua, hay chỉ đơn giản là đứng dậy đồng loạt ra về khi một ca sĩ gây tai tiếng xuất hiện trên sân khấu. Có lẽ sự dễ dãi của khán giả đã dung túng cho lỗi lầm của nghệ sĩ.
Độc Bắc Lưu
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận