Đa dạng phương thức bán vé
Sau thành công của MV “Hãy trao cho anh”, Sơn Tùng M-TP bắt đầu dự án Sky Tour của mình tại 3 thành phố lớn là Hà Nội (11/8), TP HCM (28/7) và Đà Nẵng (4/8). Tour diễn này của Sơn Tùng có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ khách mời như: JustaTee, Ryhmastic, Tiên Tiên, Kimmese, Kay Trần, Producer Onionn.
Vốn được biết đến là ca sĩ sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo nhưng chủ yếu là những khán giả tuổi teen, nên trong lần bán vé cho Sky Tour này, không ít người cho rằng giá vé của đêm diễn quá đắt.
Cụ thể, mỗi đêm diễn có 3 loại vé: VVIP (2.145.000 đồng), VIP (1.485.000 đồng) và GA (715.000 đồng ). Thế nhưng, theo một số nguồn tin, Sky Tour đã “cháy vé” ở một số khu vực, như hết VVIP (Hà Nội), hết VVIP, GA-A, GA-B (TP HCM) và đêm diễn tại Đà Nẵng cũng hết vé ở khu GA-A, GA-B.
Ca sĩ nào cũng có khán giả online và offline riêng, quan trọng là cách họ tiếp cận với các đối tượng đó như thế nào. Khán giả online không đến rạp nhưng vẫn có thể mang lại nguồn thu nhập cho ca sĩ từ quảng cáo, nguồn thu nhập ấy có khi còn lớn hơn nhiều lần tổ chức liveshow bán vé. Quan niệm ca sĩ là phải bán được vé liveshow thời nay không phù hợp nữa. Ca sĩ thời nay là làm sao để có tiền, để tái sản xuất sản phẩm âm nhạc tốt phục vụ công chúng.
Bà Nguyễn Hoài Oanh,
Giám đốc Đông Đô Show
Đây là điều hiếm gặp với một ca sĩ vốn có chủ yếu là khán giả online như Sơn Tùng. Trước giọng ca gốc Thái Bình, những ca sĩ có lượng fan chủ yếu là người trẻ như Noo Phước Thịnh, Đông Nhi hay Vũ Cát Tường, Hương Tràm cũng là những người đã phần nào thành công trong việc kéo khán giả đến các liveshow của mình.
Đông Nhi đã thực hiện thành công đêm nhạc kỷ niệm 10 năm ca hát “Ten on ten” với hơn 40.000 khán giả tại SVĐ Quân khu 7 (TP HCM), Vũ Cát Tường mới đi hát 5 năm nhưng đã tổ chức được “Stardom Concert” tại Sân khấu Lan Anh với hơn 3.000 khán giả. Hầu hết các showcase của Noo Phước Thịnh ở Hà Nội và TP HCM đều “cháy vé”.
Cũng phải nói thêm, với những người làm âm nhạc, khán giả online và khán giả mua vé tại sân khấu vốn là hai đối tượng khác nhau. Khán giả online được coi là những người thích xem online miễn phí, ít khi bỏ tiền mua vé tới sân khấu xem trực tiếp.
Do đó, để có thể đưa họ đến mua vé các show diễn không phải vấn đề đơn giản. Một bầu show trong nghề từng tiết lộ, ca sĩ trẻ được yêu thích như Sơn Tùng có thể sở hữu hàng triệu lượt thích trên mạng xã hội nhưng làm show, giá vé show diễn 500.000 đồng vẫn khó bán được hết. Đa số họ chỉ diễn trong những chương trình của nhãn hàng, hoặc các chương trình được tài trợ và phát vé miễn phí, hoặc giá vé rất rẻ.
Thế nên, bản thân những ca sĩ như Sơn Tùng M-TP, Đông Nhi, Vũ Cát Tường… tổ chức show diễn cũng phải có nhiều ưu đãi trong việc bán vé. Như với Sky Tour, giọng ca của “Hãy trao cho anh” đã có những quà tặng cho khán giả như nón, túi đeo, vòng tay cổ vũ. Khán giả mua vé VVIP còn có cơ hội tham dự một sự kiện giao lưu trực tiếp với Sơn Tùng. Trong khi đó, những khán giả mua vé show diễn của Đông Nhi được tặng lighstick, giảm giá vé, hoặc tặng kèm album khi mua vé VIP…
Khó nhưng có thể làm được
Theo ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Mỹ Thanh, hiện nay khán giả online rất quan trọng với các nghệ sỹ trẻ. Việc chinh phục được khán giả online chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho các hoạt động nghệ thuật của nghệ sỹ, trong đó có các show diễn offline. Một số nghệ sĩ trẻ có tài năng, có sức hút lớn với khán giả trẻ, cũng có được ê-kíp sản xuất, truyền thông chuyên nghiệp hỗ trợ nên họ có đủ khả năng để thuyết phục khán giả trẻ mua vé cho các chương trình xem live của mình.
Ông Tùng cũng nhận định, kéo khán giả online đến mua vé xem tại sân khấu hoàn toàn có thể, nhưng để làm được điều này phụ thuộc vào thực lực của nghệ sĩ. “Họ phải có giọng hát, khả năng trình diễn, tương tác… Ngoài ra, còn phải có nhiều yếu tố khác như các show diễn có nhạc sĩ sáng tác, phối khí, biên tập phù hợp, ê-kíp sản xuất chương trình chuyên nghiệp, cũng như định hướng truyền thông đúng đối tượng”, ông chia sẻ. Giám đốc của Mỹ Thanh cũng nhận định, hiện nay ở Hà Nội, khán giả đã có thói quen mua vé đi thưởng thức các chương trình nghệ thuật.
Chia sẻ thêm về điều này, ông Tạ Đình Công, Giám đốc MediaMax cho rằng, việc nghệ sĩ đổ lỗi do khán giả hiện nay có thói quen xem online miễn phí nên không đến rạp mua vé là hoàn toàn không đúng. Không phải khán giả không muốn đến rạp hay không có tiền đến rạp mà do bản thân ca sĩ chưa thuyết phục được họ bỏ tiền mua vé. Khiến khán giả online không bỏ tiền đến rạp mua vé là trách nhiệm của người làm nghệ thuật. Ông Công nhận định, những người đến sân khấu mua vé là người thích thưởng thức âm nhạc thực thụ, nên họ cần những ca sĩ có tài năng và sản phẩm âm nhạc thật sự.
“Âm nhạc của chúng ta hiện nay rất yếu. Chỉ có vài ca sĩ có bài hát và chất riêng, còn lại đa số hát nhạc “thời trang”, phong trào nên không có được chỗ đứng riêng trong làng nhạc. Họ phải có điều đặc biệt không ở đâu có mới kéo được khán giả đến sân khấu mua vé. Và những ca sĩ trẻ làm được điều ấy thực sự thành công thì rất hiếm”, ông Công nhìn nhận.
Giám đốc của MediaMax cũng giải thích thêm, đa số ca sĩ có người hâm mộ chủ yếu là khán giả online, họ tổ chức show diễn không nhằm kéo đối tượng khán giả ấy của mình đến mua vé mà nhắm vào các nhà tài trợ đằng sau. Hoặc, họ muốn nâng tầm của mình và làm sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của mình phong phú hơn, có thêm lượng khán giả riêng. Có kéo được khán giả online đến sân khấu hay không không quá quan trọng. Những show diễn của các ca sĩ này thường bán vé giá rẻ hoặc chỉ bán một phần. Bởi với họ, lợi nhuận từ việc bán vé vốn không đủ để bù lỗ cho tổ chức liveshow. Ca sĩ trẻ hiện nay chủ yếu sống nhờ nhà tài trợ, quảng cáo, đi sự kiện là chính.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận