Hàng dừa rợp bóng ở Tam Hải |
Cách TP Tam Kỳ (Quảng Nam) khoảng 40km về phía Nam, xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành chưa được biết đến nhiều trên bản đồ du lịch nên vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ. Ở đây có ghềnh Bàn Than, được mệnh danh là “Lý Sơn của Quảng Nam”.
Cái tên lạ lẫm “Bàn Than” xuất phát từ đâu?
Chiếc xe 150 phân khối rú ga, băng băng trong nắng sớm đưa chúng tôi từ TP Tam Kỳ về xã đảo Tam Hải. Con đường 618 nối QL1 vào cảng Kỳ Hà thẳng tắp, hai bên đường ngập màu xanh cây cỏ, vắng hẳn bóng nhà dân.
Xã đảo Tam Hải chỉ cách đất liền vài trăm mét, bị ngăn cách bởi cửa sông Trường Giang đổ ra biển. Đứng từ bến phà Tam Quang nhìn ra, Tam Hải rõ mồn một giữa vùng biển rộng lớn, bốn bề sóng nước mênh mông. Chiếc phà lớn cập bến, Tam Hải hiện ra bình dị với những con đường nhỏ, hàng dừa rợp bóng. “Đã đến đây mà không ghé ghềnh Bàn Than thì coi như chưa đến Tam Hải”, hướng dẫn viên của chúng tôi giới thiệu.
Từ TP Tam Kỳ, các bạn có thể di chuyển trên QL1 đến huyện Núi Thành rồi rẽ vào đường 618 (đường ra cảng Kỳ Hà). Chạy đến cuối đường sẽ gặp chợ Tam Quang, lúc này chỉ cần rẽ trái đi thẳng thêm một đoạn nữa là sẽ đến bến phà nối xã đảo Tam Hải. Ngoài ra, bạn cũng có thể men theo tuyến đường Thanh Niên ven biển Quảng Nam đến xã Tam Tiến, sẽ có một tuyến phà nhỏ nối xã Tam Tiến với xã đảo Tam Hải. |
Nhưng chưa vội đến Bàn Than, chúng tôi dạo quanh một hồi dưới hàng dừa rợp bóng. Ngồi tựa lưng vào gốc dừa để cảm nhận từng đợt gió biển phả vào người mát rượi. Nhìn xa, cả vùng biển rộng lớn với những chiếc thúng, con thuyền neo đậu trên mặt biển trong xanh như những nét chấm phá của bức tranh thủy mặc.
Ghé Bàn Than, đập vào mắt chúng tôi là những mỏm đá gồ ghề, hình thù kỳ dị. Mỗi dãy đá đen tuyền như than đá trải dài trên bờ cát. Nhiều vách đá đen dựng đứng sát mép biển, với các độ cao và kích cỡ khác nhau như những cánh tay lực sĩ khổng lồ canh gác trước cửa biển Tam Hải. “Cái tên Bàn Than có nhiều cách lý giải khác nhau. Nhưng nhiều người vẫn cho rằng cách giải thích hợp lý nhất: Bàn là mặt bàn, mặt bằng phẳng, còn Than ám chỉ màu đen của những lớp đá này”, hướng dẫn viên giới thiệu.
Thật vậy, từng lớp đá như mặt bàn xếp chồng lên nhau nhô ra hướng biển như những con sóng, đối đầu với từng đợt sóng bạc từ đại dương vỗ vào. Sóng thốc mạnh vào vách đá tung bọt trắng xóa hòa với cái nắng tháng tư vàng ươm của miền Trung tôn lên một màu đen huyền ảo trên những mỏm đá kỳ dị này.
Ở Bàn Than, có nhiều khối đá khổng lồ hình dáng kỳ lạ. Nhưng độc đáo nhất phải kể đến hai mỏm đá Ông Đụn, Bà Che. Ông Đụn là khối đá nằm sát biển với những lớp đá chồng lên nhau, nằm xếp lớp kỳ thú. Bà Che là tảng đá lớn vươn mình lên cao hình như đầu cá khổng lồ, ở giữa có khoảng trống như Cổng Tò Vò ở Lý Sơn quanh năm đón sóng nước dập dìu. Hai khối đá xếp chồng lên nhau hướng thẳng ra biển.
Tất cả những mỏm đá ấy chất chồng ngổn ngang, không theo một thứ tự nào cả. Những mỏm đá nối nhau chạy thẳng ra biển rồi đấu đầu vào nhau tạo nên những hồ nước trong vắt đến tận đáy với vô số loài cá đầy màu sắc. Thú vị nhất là đi chân trần trên đá, có cảm giác như được massage lòng bàn chân…
Ghềnh Bàn Than với hàng loạt tảng đá hình thù kỳ dị, được mệnh danh “Lý Sơn của Quảng Nam” |
Nơi "sống ảo" lý tưởng
Cạnh ghềnh Bàn Than là bãi Nồm. Nơi những con thuyền, thúng của ngư dân về cập bến với những đặc sản của biển cả như cá, ốc, rong mứt. Mặt bãi cát rộng lớn gợn sóng thoải dài bởi những con nước ròng. Chiều chiều, trẻ em trên đảo mặc sức ra bãi Nồm nô đùa, bắt ốc.
Với hàng loạt cảnh đẹp, Tam Hải xứng đáng là thiên đường cho những người “sống ảo”. Dọc đường tham quan trên đảo, hoa giấy bạt ngàn bung nở trước nhà dân với sắc màu rực rỡ. Xa xa, chiếc cầu khỉ cũ kỹ, thô sơ được ngư dân để neo thuyền trên nền xanh của nước biển.
Nếu chừng đó chưa đủ làm thỏa lòng khám phá của bạn thì Hòn Dứa, Hòn Mang có lẽ sẽ giúp bạn thỏa niềm mong ước với những bãi cát phẳng lì, vô cùng hoang sơ, hay những bãi đá ngầm mà chỉ có chiếc thuyền thúng lắc lư mới có thể tiếp cận bờ được. Bạn cũng có thể tổ chức cắm trại qua đêm ở đó để cảm nhận đủ đầy những giá trị đặc biệt của Tam Hải.
Nếu có cơ hội ở lại Tam Hải buổi chiều, hãy tranh thủ ngắm hoàng hôn. Tam Hải là một trong số ít những nơi trên đất liền có thể nhìn thấy mặt trời lặn biển. Những ánh nắng chiều soi lung linh trên mặt biển phía xa xa đường chân trời. Mặt trời lúc đó như một quả cầu lửa khổng lồ đang dần dần chìm xuống biển. Một vùng nước bao la được dát lên một màu vàng huyền ảo của hoàng hôn khiến người ta như lạc vào một bức tranh…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận