Bà Phạm Chi Lan kiến nghị cuộc bình chọn năm sau chỉ nên bình chọn các quy định pháp luật tồi nhất |
Tại buổi công bố kết quả bình chọn 30 quy định pháp luật tốt và 30 quy định kém, ngày 28/2, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ: Ngay cả khi cuộc bình chọn kết thúc (29/12/2016), Ban tổ chức vẫn nhận được rất nhiều đề cử gửi đến. Sau khi loại bỏ, sàng lọc các đề cử trùng, đề cử không nằm trong phạm vi bình chọn… Ban tổ chức đã chọn ra được 114 đề cử quy định tốt và 123 đề cử quy định kém. Đáng chú ý, việc công bố kết quả cuộc bình chọn đã liên tục được lùi lại từ tháng 5/2016 đến tháng 7/2016… và tới tận ngày 28/2/2017 mới chính thức diễn ra.
Ông Đậu Anh Tuấn cho hay, sau khi có danh sách các đề cử, Ban tổ chức đã gửi cho các bộ, ngành để phản hồi thì “đã có ồn ào và sức ép”. “Chúng tôi không muốn tấn công ai, chỉ trích ai mà chỉ đưa ra cái nhìn đầy đủ về tình trạng ban hành văn bản pháp luật. Sau một thời gian dài có nóng sốt, nguội lạnh thì cũng xây dựng xong”, ông Tuấn nói.
Một điểm đáng chú ý nữa mà ông Tuấn tiết lộ là có hiện tượng một cơ quan, bộ có hàng trăm đề cử quy định tốt cho mình. “Có một vài bộ gửi nhiều đề cử, hình như huy động cả hệ thống vào cuộc”, ông Tuấn tiết lộ chuyện bên lề cuộc bình chọn.
Thậm chí, để “làm mềm”, Ban tổ chức đã đổi tên các quy định từ “tốt nhất” và “tồi nhất” thành “tốt” và “kém”; đồng thời để bớt “căng” Ban tổ chức cũng nâng từ danh sách 10 quy định lên thành 30 quy định và không xếp hạng thứ tự nhất, nhì, ba…
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng tiết lộ, cuộc bình chọn gặp “sóng gió” ngay từ khi đưa ra danh sách các quy định. Theo ý kiến của chuyên gia này, trong cuộc bình chọn năm sau, Ban tổ chức chỉ nên nêu các quy định tồi vì làm tốt là trách nhiệm đương nhiên của Chính phủ và các bộ, địa phương. “Sao với xã hội thì bắt buộc làm tốt còn các cơ quan nhà nước làm tốt thì được biểu dương? Các cơ quan làm tốt là đương nhiên, không nhất thiết phải bình chọn” chuyên gia Phạm Chi Lan đề nghị.
Bà Phạm Chi Lan còn đề xuất làm rõ trách nhệm giải trình của các cá nhân, cơ quan nhà nước, xem ai là người đưa ra những quy định gây phương hại. Có như vậy mới mong xóa được nhóm lợi ích, tham nhũng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận