Năm 1965, tôi đã tới gần dòng sông nhất khi được cha cho ngồi sau xe đạp vượt qua cầu Long Biên. Từ trên cầu nhìn thấy những xoáy nước xoắn vào nhau không ngừng nghỉ, lôi đi những con thuyền gỗ, những cánh buồm nâu vượt qua gầm cầu chảy về nơi xa.
Lần đầu tiên, cậu bé Hà Nội được nhìn thấy dòng sông mênh mông, đỏ ngầu, mạnh mẽ, mới đấy mà đã gần 60 năm.
UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang nghiên cứu phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trở thành công viên văn hóa du lịch. Ảnh: Tạ Hải
Ít lâu sau tôi lại gần sông hơn khi đi qua cầu phao bắc tạm qua sông thay cho cầu Long Biên gẫy gục, nghe thấy sóng vỗ ào ào vào những phao sắt vừa gần gũi lại có chút e sợ.
Rồi những năm tháng tuổi trẻ cùng ra bến nước vác tre nứa kiếm tiền mua sách vở đỡ cha mẹ.
Tôi thấy nhiều gia đình kéo bè tre lên bãi cát, họ ở lại đó, dần dựng lên mái nhà nhỏ, cả nhà neo đậu lại bến Hà Nội qua ngày.
Sau này mới hay, họ thực hiện giấc mơ thành người Hà Nội đơn giản đến thế.
Chỉ vài chục năm, bãi cát ven sông nhỏ dần, nhường chỗ cho những ngõ phố bờ sông lớn lên từng ngày và hôm nay là những dãy nhà tầng san sát ngoài bờ đê.
Đầu những năm 2000, Hà Nội đã nhìn ra bờ sông và loay hoay với những dự định mở rộng thành phố nhưng ngổn ngang với chuyện thuỷ lợi, di dân, đê điều.
Rồi những bản vẽ phố bên sông hiện hình làm kẻ mừng người lo, những nỗi lo vu vơ, dòng sông chung của tất cả mọi người Hà Nội sẽ về tay ai?
Bây giờ có cả ngàn giấc mơ có nhà với cửa sổ trông ra sông, có sổ đỏ ngoài đất bãi và có nhiều tiền từ mua đất bãi sông rẻ bán lại đắt hơn nhiều lần… những giấc mơ/thực tại giằng xé giữa chung riêng, lợi lạc và công bằng, đất để bán hay dành cho nước chảy?
Năm 2010, khi con cái đã lớn, tôi cũng rảnh rỗi nên nhận lời giúp nhóm bạn trẻ tình nguyện ra bờ sông làm vài bãi trống cho con trẻ có chỗ chơi.
Mới thấy cái Bãi giữa xa xôi nay đã thành ruộng rau, nơi đổ rác…
Đi trên cầu nhìn xuống thấy nương ngô, ruộng cải xanh mướt … mà cứ trăn trở: Sao Hà Nội nghèo mà hoang phí đất vàng thế này?
Nhưng mỗi lần bàn làm sân chơi công cộng thì mấy ông thợ vẽ lại loay hoay thành đất ở ổn định, thành công xưởng sáng tạo, thành nhà ở vì dân… Lúc nóng lúc nguội, cuộc vẽ vời vẫn cả chục năm chưa có hồi kết.
Thay vì những bàn thảo, hội nghị tầm cỡ vĩ mô, quận Hoàn Kiếm đã hỗ trợ các bạn trẻ bày ra những sân chơi nhỏ ngoài bãi, trong sân chung nhà tập thể, quay vào trong phố bày đồ chơi trên đường phố Đào Duy Từ vào buổi tối, sáng ra lại cất đi…
Rồi cùng các nghệ sĩ vẽ ra sân chơi tưng bừng trên phố Phùng Hưng, lan ra phía bãi Phúc Tân.
Mấy ngày gần đây, quận Hoàn Kiếm cho biết kế hoạch biến 23ha đất bãi giữa sông Hồng làm công viên.
Thực ra nó là công viên (vườn cây của công) từ lâu rồi. Bãi giữa là đất công, trên đất công cây cỏ tự mọc tốt tươi thì cũng là của công.
Người dân cũng tự ra đó hóng mát, bơi lội, dạo chơi, xưa không ai ngăn cản nhưng nay đã manh nha xuất hiện việc cắm cọc, chăng dây, xây lều cát cứ. Không ít bãi cát, đất sát đê đã thành của ai đó.
Nay quận Hoàn Kiếm có kế hoạch làm cho Bãi giữa sạch sẽ hơn, an toàn hơn, hấp dẫn hơn và có trách nhiệm cai quản rõ ràng thì âu cũng việc “ thuận thiên”. Vì công viên mùa lũ là cho nước sông chảy qua, mùa cạn thì thành vườn cây công cộng.
Công viên Bãi giữa đã là sự thật rồi. Quận Hoàn Kiếm chỉ xác nhận rằng Giấc mơ Bãi giữa sông Hồng đã là sự thật được chính quyền ghi nhận thôi.
Tôi mong sớm được ra Bãi giữa đi dạo trong vườn cây, tự cấu vào tay mình xem có đau không để tự nhận ra đây là thật hay mơ nhé.
KTS Trần Huy Ánh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận