Theo thống kê, có tới 80 - 90% doanh nghiệp vận tải đã tăng giá cước lên 10 - 15% so với trước khi giá xăng tăng lên mức 30.000 - 32.000 đồng/lít để bù lỗ.
Nhiều doanh nghiệp vận tải “chây ỳ” điều chỉnh giá cước dù giá xăng dầu dã giảm nhiều lần
Tuy nhiên, sau 6 lần điều chỉnh gần nhất, giá xăng dầu hiện đã giảm tới hơn 20% so với cách đây hơn một tháng, song phần lớn các doanh nghiệp vẫn “án binh bất động” trong việc giảm giá cước.
Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp vận tải muốn điều chỉnh giá cước phải đăng ký với cơ quan chức năng.
Sau khi được chấp thuận, doanh nghiệp mới niêm yết giá cước để hành khách biết. Tuy nhiên, do quy trình đăng ký điều chỉnh giá cước vận tải mất khá nhiều thời gian, nên nhiều doanh nghiệp vận tải thường “chây ỳ” điều chỉnh.
Bên cạnh đó, thời gian thực hiện thủ tục điều chỉnh giá cước khá lâu, nên nhiều doanh nghiệp vận tải chưa kịp điều chỉnh giá, giá xăng dầu đã biến động tăng hoặc giảm mạnh, khiến việc điều chỉnh không theo sát được với diễn biến thực tế trên thị trường.
Một trong những yếu tố cấu thành giá cước vận tải là giá nhiên liệu. Giá nhiên liệu tăng làm cho giá cước vận tải tăng để bù đắp chi phí là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, khi giá nhiên liệu đã giảm sâu thì không thể đưa ra lý do này lý do khác để trì hoãn việc giảm giá cước.
Ở đây, cần phải sòng phẳng câu chuyện khi giá xăng dầu tăng, các doanh nghiệp “kêu cứu”, đề xuất hỗ trợ… nhưng khi giá xăng dầu giảm mạnh thì không lý gì lại giữ nguyên mặt bằng giá mới.
Vẫn biết việc giá xăng dầu và việc giảm cước vận tải có độ trễ nhất định, không thể giá xăng dầu giảm là cước vận tải có thể giảm ngay lập tức được. Tuy nhiên, sau 6 lần điều chỉnh gần nhất thì không thể vin vào lý do “cần có độ trễ” nữa.
Có thể các thủ tục điều chỉnh giá cước phức tạp, cần nhiều thời gian, song các doanh nghiệp vận tải nên có các giải pháp điều chỉnh giá cước phù hợp theo thị trường, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Bởi, khi một yếu tố như nhiên liệu chiếm đến 30 - 40% chi phí cấu thành đã giảm sâu mà cước vận tải không chịu giảm là không hợp lý.
Bên cạnh việc tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu, trường hợp có thể giảm giá, cơ quan chức năng cần yêu cầu đơn vị vận tải giảm giá ngay.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.
Với việc kê khai giá, cần nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan để làm sao tạo thuận lợi cho các đơn vị vận tải, để họ không thể vin vào đó để biện minh cho việc chậm trễ trong việc kê khai giá cước nữa.
Mỹ Hà
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận