Xã hội

Sống trong sợ hãi vì nhà sập, đường nứt toác cạnh khu khai thác đất sét

20/09/2022, 13:59
image

Nhà của gần 20 hộ dân ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) bỗng nứt toác, đổ sập và có nguy cơ bị lòng moong khai thác mỏ sét "nuốt chửng" bất cứ lúc nào.

Nhà 3-4 tầng vừa xây xong cũng đổ sập

Gần một tháng nay, 14 hộ dân ở tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long phải đi ở thuê trong cảnh tạm bợ do nhà cửa, công trình bị lún, nứt đổ sập.

Chiều 19/9, khi PV Báo Giao thông đến khu vực này và giật mình khi trước mắt là cảnh tượng các ngôi nhà đổ sập, nứt vỡ ngổn ngang, tan hoang như vừa trải qua trận động đất lớn.


img

Một căn nhà bị đổ sập hoàn toàn do đất bị sụt, lún

Qua quan sát, nhà nào cũng bị sụt lún, ít thì kéo nhà 4 tầng nghiêng, lún sụt một phần đất vườn. Nhiều thì có nhà nứt toác, tách hẳn sân với nhà, tạo thành những khe to tướng có thể ném cả viên gạch vào, nguy cơ có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

img

Cảnh tan hoang của một loạt căn nhà bị độ sập ven moong khai thác mỏ sét ở TP Hạ Long

Với dáng người tiều tụy đứng tần ngần trước cửa ngôi ngà 4 tầng còn thơm mùi vữa bị nghiêng ra phía sau, hè và sân là những vết nứt toác, sâu hoắm nằm ở giữa tổ 6, khu 3B, chị Nguyễn Thị Chon bỗng bật khóc nức nở khi phóng viên hỏi thăm.

Chị Chon kể: Gia đình chị mua thửa đất 75m2 này năm 2017 trị giá gần 1 tỷ đồng nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2019 thì vợ, chồng xây dựng căn nhà này hết 1,5 tỷ đồng, trong đó có tới 800 triệu là tiền vay mượn. Khi xây dựng nhà, chị Chon đã ra báo cáo chính quyền địa phương và được cho xây dựng.

>>> Clip: Cảnh nhà cửa đổ sập tan hoang cạnh moong khai thác đất sét:

"Những tưởng có căn nhà thì sẽ "an cư lạc nghiệp", dù còn nợ nần, nhưng vợ chồng em đều bảo nhau quyết tâm làm ăn để trả. Nào ngờ, cách đây vài tháng, căn nhà thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng cựa và xuất hiện nhiều vết nứt.

Đỉnh điểm là những trận mưa hồi cuối tháng 8 vừa qua, căn nhà bỗng dưng bị ngửa ra phía sau, nên cả nhà em phải chuyển đi nơi khác ở để đảm bảo an toàn. Nhà xây mới to đẹp vừa ở đã phải chuyển đi, lại lo nó sắp đổ sập, vợ chồng em cứ nghĩ đến là chảy nước mắt, đêm không ngủ nổi", chị Chon tâm sự.

img

Chị Nguyễn Thị Chon khóc bên gia sản bấy lâu tích cóp được không biết độ sập xuống lúc nào

Cạnh nhà chị Chon là căn hộ 4,5 tầng của gia đình chị Ngô Thị Mai Hương được xây dựng từ năm 2015 khá đẹp, nhưng cũng trong cạnh lún, nứt nhiều hạng mục và nghiêng xuống vực.

Chị Ngô Thị Mai Hương, cho biết: Tích cóp bao năm và vay mượn thêm mới xây được căn nhà này. Vậy mà chỉ vài tháng từ khi xuất hiện những vết nứt, giờ căn nhà đành bỏ hoang. Nhớ nhà, tiếc của, chiều nào đi làm về chị Hương cũng chạy qua đứng ở bên ngoài nhìn vào mà ứa nước mắt.

img

Dãy nhà bị nghiêng, nứt khiến chính quyền phải chăng dây "cấm" chủ nhà quay về để đảm bảo an toàn

Với những căn nhà ở gần mỏ khai thác của Công ty CP Gốm Giếng Đáy, thì cảnh tượng còn tan hoang hơn. Nhiều căn nhà tại đây đã bị đổ sập hoàn toàn. Giao thông, vườn tược xuất hiện những vết nứt dọc, ngang.

img

Đống gạch, đá độ sập từ trên xuống bít mất lối vào các hộ phía trong.

Ở cuối tuyến đường là một căn hộ cửa đóng kín như bưng, thoáng nhìn từ xa còn khá mới, nhưng khi đến gần thì thấy nhiều vết nứt toác.

Đi ra phía sau, một góc công trình phụ đã bị sập. Đáng lo là, một góc mảnh vườn của gia đình này đã bị sạt xuống moong nước do doanh nghiệp khai thác vật liệu đào, móc từ lâu.

img

Góc một căn nhà bị sạt xuống khu vực lòng moong khai thác đất sét

Bà Nguyễn Thị Viên, Tổ trưởng Tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy cho biết: Hiện tại, 14/18 hộ dân nơi đây đã phải chuyển đi nơi khác để đảm bảo an toàn và được hỗ trợ thuê nhà trong 6 tháng.

Tùy số nhân khẩu trong hộ được hỗ trợ mức cao nhất là 36 triệu đồng/hộ và mức thấp nhất là 17 triệu đồng/hộ.

"Dù là nguyên nhân thế nào gây ra tình trạng này, thì việc các hộ bị sập, nứt là cũng cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền. Bà con đều mong mỏi cơ quan có thẩm quyền sớm có giải pháp để giúp các hộ ổn định cuộc sống", bà Viên đề nghị.

img

Một vết nứt khổng lồ tại tường nhà của hộ dân tại khu 3B, phường Giếng Đáy

Mong sớm xác định được “thủ phạm” gây ra!

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND phường Giếng Đáy cho biết, tình trạng lún, nứt nhà của các hộ đã diễn ra vài tháng nay.

Tuy nhiên, trong đợt mưa lớn của bão số 2 năm nay, các hiện tượng nứt, gãy càng rõ, ảnh hưởng tới tính mạng và tài sản của nhà dân. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, UBND phường Giếng Đáy đã yêu cầu 14 hộ dân di dời khẩn cấp trước khi bão số 3 đổ bộ.

>>> Clip: Cận cảnh một căn hộ mới xây bị nghiêng không biết sập xuống lúc nào ở tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy:

"Trước tiên, để đảm bảo an toàn cho nhân dân, UBND phường đã cử các lực lượng hỗ trợ và tuyên truyền các hộ dân chủ động di dời khỏi khu vực nguy hiểm.

Sau khi nhận được phản ánh và UBND phường đã làm việc thì hiện tại Công ty Cổ phần gốm xây dựng Giếng Đáy đang dừng khai thác và có biện pháp hoàn nguyên hiện trạng", ông Trường thông tin.

img

Các căn nhà nghiêng, lún được phong tỏa, nhưng do không có người gác, nên trẻ nhỏ vẫn đi lại, thậm chí vào chơi rất nguy hiểm

Theo ông Trường, trước đó, ngày 31/5/2022, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - xã hội HĐND phường Giếng Đáy khóa X đã tổ chức giám sát về việc triển khai thực hiện các biện pháp trong phòng, chống sạt lở đất tại tổ 6 khu 3B, tổ 7 khu 5, phường Giếng Đáy mà theo kiến nghị của người dân là do Công ty CP Gốm xây dựng Giếng Đáy khai thác đất sét gây ra.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này chưa có biện pháp khắc phục triệt để, mới đổ đất hoàn nguyên được khối lượng một phần nhỏ của moong khai thác đất sét cạnh khu dân cư.

img

Lòng moong khai thác mỏ sét đã "nuốt chửng" nhiều diện tích xung quanh

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, mỏ đất sét tại phường Giếng Đáy tiếp giáp nơi xảy ra tình trạng hàng loạt căn nhà bị đổ sập, nghiêng được UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Công ty CP Gốm xây dựng Giếng Đáy khai thác từ năm 1967, năm 1997 được cấp phép lần nữa.

Đến năm 2015, mỏ lại được cấp được gia hạn đến ngày 31/12/2024 với diện tích khai thác 11,6ha; công suất khai thác 70.000 m3/năm, độ sâu cho phép âm 20m.

img

Theo người dân, moong khai thác đất sét không được doanh nghiệp hoàn nguyên triệt để có thể là nguyên nhân chính dẫn đến nhà cửa bị lún, sập

Thực tế, moong khai thác đất sét hiện tại là hồ nước rộng hàng trăm mét vuông, sâu hàng chục mét. Điều đáng nói là các hộ dân này nằm ở phía trên đồi, mỏ đất sét nằm ở phía dưới cách đó không xa…

Theo phản ánh của một số người dân nơi đây thì có thời điểm Công ty CP Gốm xây dựng Giếng Đáy tiến hành khai thác đất sét ở gần khu dân cư đã tổ chức nổ mình làm rung chuyển đất đai, nhà cửa. Và cũng có thể, từ việc này, các vết nứt ngày một rộng ra và đến nay thì nhiều nhà bị đổ sập!?

Bởi thực tế, trước đây, quá trình khai thác của doanh nghiệp đã làm sạt lở một đoạn đường và ảnh hưởng đến nhà cửa, tài sản của một số hộ dân thuộc tổ 7, khu 5 liền kề.

img

Tuyến đường qua địa phận tổ 7, khu 5 vào tổ 6, khu 3B mới bị kéo sập xuống khu vực moong khai thác đất sét

Ông Phạm Xuân Trường cho biết thêm: Hiện nay, UBND TP Hạ Long đã giao cơ quan chức năng phối hợp với phường và Công ty CP Gốm xây dựng Giếng Đáy thuê đơn vị giám định độc lập vào làm việc để xác định lại ranh giới khai thác cũng như quy trình khai thác sét của Công ty CP gốm xây dựng Giếng Đáy.

Từ đó, sẽ xác định nguyên nhân và trách nhiệm của các bên liên quan, có phương án bồi thường và xử lý cho người dân.

img

Nhiều phương tiện vận tải phục vụ hoàn nguyên moong khai thác mỏ sét của doanh nghiệp nghi vấn quá tải, gây ô nhiễm môi trường tuyến đường trong khu dân cư của phường Giếng Đáy, TP Hạ Long

"Hiện công việc vẫn đang được tiến hành, khi nào xác định được rõ nguyên nhân thì sẽ thực hiện các bước tiếp theo", ông Trường nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.