Phun thuốc diệt muỗi là cách phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả nhất hiện nay. |
Dịch SXH đến sớm, Hà Nội có số ca mắc tăng vọt
Theo thống kê mới nhất của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 48.898 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 14 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số người nhập viện tăng 0,3% và tăng 2 trường hợp tử vong. Ông Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định: “Hiện, đang mùa dịch, diễn biến số ca mắc theo tuần có xu hướng tăng. Năm nay, dịch SXH đến sớm hơn mọi năm do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, người dân còn chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Số ca mắc nhập viện tăng cao ở cả khu vực miền Bắc và Nam, giảm ở khu vực miền Trung. Trong đó, miền Bắc tăng hơn 400% (2.163 trường hợp), miền Nam tăng 22,8% (gần 2.000 trường hợp)”.
Hà Nội là địa phương có số ca mắc SXH tăng vọt. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận gần 4.000 ca mắc và 1 trường hợp tử vong vào tháng 5. Trung bình mỗi tuần có thêm 600-700 ca mắc mới. Số bệnh nhân mắc SXH tập trung tại các quận: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm. Theo ông Cảm, thông thường dịch SXH xuất hiện vào tháng 8-9, đạt đỉnh vào tháng 10-11 nhưng năm nay dịch gia tăng mạnh từ tháng 5.
Nguyên nhân do thời tiết miền Bắc thay đổi thất thường, mùa hè đến sớm, không có rét tháng 3. Ngoài ra, nhiều công trình xây dựng đang triển khai trong các khu vực dân cư, các khu nhà trọ của công nhân lao động có điều kiện vệ sinh kém hay những vật dụng chứa nước đọng mà người dân không ngờ tới, như: Trong lốp xe hỏng bỏ ngoài vườn; trong vỏ lon nước ngọt, bia uống hết vứt ra vườn; trong lọ hoa lộ thiên ở bàn thờ; trong bát nước kê chạn… cũng tạo ổ sinh sản muỗi. “Đáng nói, dù dịch diễn biến phức tạp, song qua thống kê, vẫn còn 15% số gia đình đi vắng cả ngày và 5% số hộ không hợp tác với nhân viên y tế dự phòng phun thuốc diệt muỗi với lý do nhà có con nhỏ, người ốm, nhà không có muỗi…”, ông Cảm cho biết.
Mới đây, UBND phường Mai Dịch (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) đã ra quyết định phạt một hộ kinh doanh 2 triệu đồng vì không hợp tác phòng chống dịch SXH. Đây là mức phạt tiền cao nhất trong khung xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế do không thực hiện các biện pháp vệ sinh, tẩy uế, tiệt trùng trong vùng có dịch.
Cẩn trọng dùng thuốc hạ sốt do SXH
Em Trần Thị Q. (trú tại Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội) được chuyển đến Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai, trong tình trạng sốt cao liên tục, đau đầu, buồn nôn, kinh nguyệt ra sớm và nhiều hơn bình thường. Khi nhập viện, xét nghiệm máu, bệnh nhân mới biết mình mắc SXH với lượng tiểu cầu hạ chỉ còn 69G/L, men gan tăng. Theo bệnh nhân Q., trước đó bệnh nhân sốt cao liên tục, đến ngày thứ 5 người lả đi thì được gia đình đưa đến viện. May mắn, sau 5 ngày điều trị tích cực bệnh nhân đã ổn định.
Theo TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, điều nguy hiểm là SXH có biểu hiện giống như sốt do các virus khác nên nhiều người chủ quan, không đi khám hoặc tự điều trị tại nhà. “Dù SXH là bệnh tự khỏi trong vòng 7 ngày, nhưng khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc nặng do giảm thể tích có nguy cơ gây tử vong”, TS. Cường lưu ý. Mặt khác, vị Trưởng khoa Truyền nhiễm cho hay, SXH Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên điều trị chủ yếu là truyền dịch, dùng thuốc hạ sốt, theo dõi tiến triển bệnh bằng kiểm tra công thức máu hàng ngày. Do đó, người bệnh khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39-400C, kéo dài 2 - 7 ngày, đau đầu, đau mình mẩy kèm các dấu hiệu: Phát ban, nổi hạch, da xung huyết, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chân răng... thì nên đến bệnh viện khám để xác định sớm và điều trị kịp thời.
Theo BS. Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, khi xuất hiện các dấu hiệu đau đầu, sốt cao, đa phần mọi người thường nghĩ đến cúm hay sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau về dùng. Trong đó có 2 loại hạ sốt thường được sử dụng là aspirin và ibuprofen. Tuy nhiên, hai loại thuốc này sẽ khiến tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
“Nguyên nhân do bệnh SXH Dengue gây ra tình trạng rối loạn đông máu. Trong khi đó, thuốc aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Không những vậy, aspirin còn có tác dụng phụ gây loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày... Do vậy, người bệnh tuyệt đối không uống hai loại thuốc kể trên khi nghi ngờ bị SXH”, BS. Cấp lý giải.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận