Thế giới

Sri Lanka chuyển giao cảng cho Trung Quốc, nhận 292 triệu USD

11/12/2017, 14:00

Cuối tuần qua, Chính phủ Sri Lanka chính thức chuyển giao các hoạt động thương mại tại cảng chính ở miền Nam.

11

Cảng Hambantota

Cuối tuần qua, Chính phủ Sri Lanka chính thức chuyển giao các hoạt động thương mại tại cảng chính ở miền Nam cho một công ty Trung Quốc và nhận 292 triệu USD trong thỏa thuận trị giá 1,12 tỉ USD, hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mangala Samaraweera cho biết.

Phát biểu trước Quốc hội, ông Samaraweera nói: “Hôm nay, chúng tôi nhận được 292 triệu USD đợt đầu tiên của thỏa thuận liên doanh cảng Hambantota. Đây là bước đầu tiên trong việc thực hiện thỏa thuận thương mại cảng này sau 7 năm đằng đẵng”.

 Thoả thuận trên được ký kết vào tháng 7, trong đó Công ty China Merchants Ports Holdings của Trung Quốc sẽ được phép điều hành cảng nước sâu Hambantota của Sri Lanka trong 99 năm. Cảng Hambantota trị giá 1,5 tỉ USD, được đưa vào sử dụng năm 2010 nhưng thiếu hoạt động thương mại nên thua lỗ.

Dù vậy, với Trung Quốc, cảng Hambantota lại đóng vai trò quan trọng trong chiến lược “Một vành đai, một con đường” vì gần tuyến hàng hải quan trọng nối châu Á và châu Âu. Sau đây, Chính phủ Sri Lanka tiếp tục nhận thêm 10% (tương đương 100 triệu USD)/tháng và tổng cộng 585 triệu USD trong 6 tháng).

Ban đầu, Cơ quan quản lý cảng Sri Lanka đồng ý với Công ty China Merchants Ports Holdings để bán khoảng 80% cổ phần cảng Hambantota nhưng dự định này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận và các nhóm đối lập. Do đó, họ buộc phải sửa đổi kế hoạch sao cho vừa hạn chế vai trò của Trung Quốc việc điều hành hoạt động thương mại nhưng vẫn giữ nguyên quyền giám sát các vấn đề an ninh.

Cuối cùng, cả hai bên đều rút lại thỏa thuận và thay bằng một thỏa thuận khác. Trong đó, công ty Trung Quốc sẽ nắm giữ 70% cổ phần trong công ty liên doanh với Cơ quan quản lý cảng Sri Lanka - một phần trong kế hoạch để chuyển đổi các khoản nợ trị giá 6 tỉ USD của Sri Lanka với Trung Quốc thành cổ phần. Ngoài ra, công ty Trung Quốc đầu tư thêm 600 triệu USD vào hoạt động của cảng và sử dụng 1,12 tỉ USD để trả nợ.

Hãng tin Reuters cho biết, các nguồn tin ngoại giao và chính phủ cho rằng Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng cảng này làm căn cứ hải quân. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.