Tỷ phú Elon Musk
BBC News (Anh) đưa tin, vào tuần trước, một nhóm hack có tên Anonymous Sudan đã tấn công mạng xã hội X (trước đây có tên là Twitter) khiến mạng ngoại tuyến ở nhiều quốc gia. Động thái này được cho là để gây áp lực lên tỷ phú Elon Musk, buộc ông phải ra mắt dịch vụ Starlink ở Sudan.
X đã ngừng hoạt động trong hơn 2 giờ, sự cố khiến hàng chục nghìn người bị ảnh hưởng.
"Hãy truyền tải thông điệp của chúng tôi tới ông Elon Musk: "Hãy mở Starlink ở Sudan."," nhóm hacker đăng trên Telegram.
Phương pháp và động cơ của nhóm
Sau nhiều tuần trò chuyện với nhóm này trên ứng dụng Telegram, BBC đã trao đổi với nhóm tin tặc về phương pháp và động cơ của nhóm này.
Một thành viên của nhóm, tự xưng là Crush nói với BBC rằng, cuộc tấn công vào tuần trước đã dùng lượng truy cập khổng lồ, làm tràn các máy chủ của X. Mạng xã hội này từ đó bị "sập". Đây được đánh giá là một kỹ thuật hack trực diện và tương đối đơn giản mà nhóm này đã sử dụng.
Trang web theo dõi tình trạng ngừng hoạt động Down detector cho biết có gần 20.000 người dùng ở Mỹ và Anh báo cáo tình trạng ngoại tuyến. Số lượng người bị ảnh hưởng trên thực tế có thể cao hơn nhiều.
Một thành viên khác của nhóm hacker - Hofa - cho biết cuộc tấn công được gọi là DDoS (Từ chối dịch vụ phân tán) nhằm mục đích nâng cao nhận thức của mọi người về tình hình ở Sudan. Theo Hofa, ở Sudan, mạng internet cũng đang có chất lượng kém và thường xuyên bị sập.
BBC cho biết, X chưa công khai thừa nhận sự gián đoạn và ông Musk cũng chưa trả lời các câu hỏi về việc triển khai dịch vụ internet vệ tinh ở Sudan.
Nghi ngờ về nguồn gốc của nhóm hacker
Nhiều người cho rằng nhóm Anonymous Sudan không phải là người Sudan mà là người Nga. Tuy nhiên nhóm này đã phủ nhận cáo buộc trên và chia sẻ bằng chứng với BBC về việc nhóm đang hoạt động tại Sudan. Đây là lần đầu tiên nhóm công khai bằng chứng này.
Crush - người phát ngôn chính và cũng là thành viên chủ chốt của nhóm đã chia sẻ vị trí trực tiếp của mình qua ứng dụng Telegram để làm bằng chứng. Crush và Hofa cũng gửi ảnh hộ chiếu Sudan của họ và các ảnh chụp màn hình khác cho thấy họ đang hoạt động tại quốc gia này.
Mặc dù những bằng chứng mà nhóm đưa ra có thể là giả nhưng sau nhiều tuần thảo luận với chuyên gia, BBC nhận định không có dấu hiệu nào cho thấy tin tặc đang nói dối.
Crush - thành viên nhóm - nêu rõ: "Mục tiêu trong dài hạn của chúng tôi là cho thế giới thấy rằng chúng tôi có kỹ năng rất tốt trong nhiều lĩnh vực mặc dù gặp phải nhiều hạn chế". Crush khẳng định họ thực hiện được các cuộc tấn công từ trong nước bất chấp rằng dịch vụ internet ở quốc gia này thường xuyên bị gián đoạn.
Giả thuyết các thành viên nhóm là người Nga xuất phát từ việc nhóm này công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong vụ nổi loạn của nhóm Wagner hồi tháng 6.
Cùng vào tháng 6, các tin tặc đã ăn mừng khi cơ quan quản lý mạng của Mỹ đưa ra cảnh báo chính thức về làn sóng tấn công mạng của nhóm chống lại các tổ chức của Mỹ. Cơ quan cảnh báo rằng những tấn công mạng "có thể khiến các tổ chức tốn nhiều thời gian và tiền bạc cũng như có thể gây ra tổn thất về danh tiếng”.
Cuộc tấn công nổi bật nhất vào tháng 6 đã làm gián đoạn các dịch vụ của Microsoft bao gồm Outlook và OneDrive, buộc gã khổng lồ công nghệ phải đưa ra báo cáo kèm lời khuyên cho khách hàng về cách tránh bị ảnh hưởng bởi nhóm này.
Sức mạnh của Starlink
Kể từ năm 2019, gần như mỗi tuần, tỷ phú Elon Musk đều gửi tên lửa Space X vào không gian để đưa hàng chục vệ tinh vào quỹ đạo. Các vệ tinh liên lạc với các thiết bị trên trái đất, vì vậy, chúng có thể truyền internet tốc độ cao đến hầu hết mọi nơi trên hành tinh.
Ngày nay, hơn 4.500 vệ tinh Starlink đang ở trên bầu trời, chiếm hơn 50% tổng số vệ tinh đang hoạt động. Số lượng vệ tinh trong kế hoạch của ông Musk vào năm tới là 42.000. Starlink thường là cách duy nhất để truy cập internet ở các vùng chiến sự, vùng sâu vùng xa và những nơi có thiên tai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận