Biên đội cường kích Su-22M4 của Không quân Việt Nam |
Tiêm kích bom Su-22 là máy bay chiến đấu đầu tiên của không quân Việt Nam bay ra tuần tiễu Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc từ năm 1988. Máy bay có tính năng đặc biệt với công nghệ cánh cụp cánh xòe cho phép tăng tốc nhanh chóng.
Máy bay tiêm kích Su-22 chiếm số lượng đông đảo trong lực lượng không quân Việt Nam. Việt Nam có trong biên chế 3 trung đoàn tiêm kích – bom Su-22 gồm: Trung đoàn 923 và 931 thuộc Sư đoàn 371 và Trung đoàn 937 thuộc Sư đoàn 370; gồm các biến thể: Su-22M3, Su-22M4 và biến thể huấn luyện 2 chỗ ngồi Su-22UM3, trong đó hiện đại nhất chính là phiên bản M4 được trang bị hệ thống ngắm bắn quang học Klen-54 trong chóp mũi.
Su-22M4 của Không quân Việt Nam |
Đặc điểm nhận dạng Su-22M4 là máy bay có 1 cửa lấy khí cho bộ phận làm mát động cơ nằm ở mặt trước, phía trên gốc cánh đứng (vòng tròn đỏ) và thêm 2 vị trí gắn đạn gây nhiễu tên lửa tầm nhiệt và tên lửa dẫn đường radar trên thân máy bay (vòng tròn xanh).
Trong chủng loại Su-22 thì Su-22M4 là biến thể được nâng cấp gồm 2 pháo 30 mm NR30 với cơ số 80 viên đạn, với 10 giá treo mang được 4 tấn vũ khí các loại gồm: tên lửa không đối không R-60; tên lửa không đối đất Kh-23, Kh-25, Kh-29; tên lửa chống radar Kh-58; bom có điều khiển; bom và rocket không điều khiển.
Thông số kỹ thuật cơ bản: Phi hành đoàn 1 người; chiều dài 19,03 m; sải cánh 10,02 m (cụp) hoặc 13,68 m (xòe); chiều cao 5,12 m; trọng lượng rỗng 12.160 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 19.430 kg.
Máy bay được trang bị 1 động cơ Lyulka AL-21F-3 công suất 76,5 kN (17.200 lbf) và lên tới 109,8 kN (24,675 lbf) khi đốt nhiên liệu phụ trội cho tốc độ tối đa 1.860 km/h; tầm hoạt động 2.300 km; trần bay 14.200 m.
Su-22 là biến thể xuất khẩu của cường kích Su-17 phục vụ trong Không quân Liên Xô, máy bay được phát triển dựa trên dòng cường kích Su-7.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận