Văn hóa - Giải Trí

Sự đổi chiều của nhạc Việt, hỗn loạn và thiếu đồng bộ

24/12/2018, 07:53

Thời gian qua, thị trường nhạc Việt chứng kiến sự phát triển của dòng nhạc indie/underground (độc lập/không chính thống).

23

Thị trường nhạc Việt thời gian qua chứng kiến sự đổi chiều khi bolero giảm nhiệt và nhạc underground thống trị (Trong ảnh: Một cảnh trong MV Hongkong1)

Bolero giảm nhiệt, underground nổi

Năm 2016, 2017, bolero phát triển ồ ạt trong tình trạng “người người bolero, nhà nhà bolero” với những liveshow ca nhạc được tổ chức liên tục, những chương trình tìm kiếm tài năng bolero ngập tràn trên sóng truyền hình. Thế nhưng, bước sang năm 2018, dòng nhạc này có dấu hiệu giảm nhiệt. Một số chương trình về bolero như: Thần tượng bolero, Solo cùng bolero… diễn ra một cách khá im ắng, khác hẳn sự rầm rộ như những mùa đầu tiên.

Những gương mặt quán quân bước ra từ các cuộc thi này như: Hellen Thủy (Quán quân Thần tượng Bolero 2017), Duy Cường (Quán quân Thần tượng Bolero 2018), Đức Minh (Quán quân Tình bolero hoan ca 2017)… đều im ắng. Dù vẫn ra bài hát nhưng sản phẩm của họ đã bị “nhấn chìm” trước sản phẩm của các nghệ sĩ ở dòng nhạc khác.

Khác với sự giảm nhiệt của bolero, dòng nhạc được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2018 là underground. Những sản phẩm âm nhạc thu hút hàng chục, hàng trăm triệu lượt xem trên các trang mạng và nghe nhạc trực tuyến như: Túy âm (Xesi, Masew, Nhatnguyen - hơn 100 triệu views), Buồn của anh (K-ICM, Đạt G và Masew - hơn 100 triệu views), Người lạ ơi (Orange và Karik - hơn 300 triệu views), Người âm phủ (Osad, Khánh Vy - 70 triệu views), Cùng anh (Ngọc Dolil, Hagi, Stee - 100 triệu lượt nghe sau hơn 2 tháng)…

Những liveshow của các nghệ sĩ bước ra từ cộng đồng indie như: Ngọt Band (liveshow Ngọt), Da LAB (liveshow Da LAB in Saigon), Vũ (liveshow Hành tinh song song) đều cháy vé sau 1-2 ngày mở bán. Các nghệ sĩ bước ra từ giới underground cũng thơm lây cùng với các sản phẩm của mình. Những cái tên như: Osad, Justatee, Đạt G, Masew… trở nên quen thuộc với giới trẻ nhiều hơn. Họ cũng là những cái tên có sản phẩm âm nhạc xuất hiện trong một số hạng mục đề cử của các giải thưởng âm nhạc cuối năm nay như: Zing Music Award 2018; Làn sóng xanh… Đây là điều bất ngờ và mới mẻ khi các giải thưởng âm nhạc trước đây hiếm khi có sự xuất hiện của những tên tuổi thuộc cộng đồng underground.

Sự “đổi chiều” của âm nhạc Việt không phải quá khó hiểu như nhận định của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng: “Vòng xoay âm nhạc luôn thay đổi, cứ vài năm lại xoay theo chiều hướng mới”. Ở mỗi thời điểm, là sự trỗi dậy của một loại hình âm nhạc và sau đó, nó sẽ thoái trào để nhường chỗ cho một loại hình âm nhạc khác.

Đa dạng không đi cùng chất lượng

Cùng với sự phát triển của nhạc underground - dòng nhạc không chính thống và thường được sáng tác một cách khá tự do cả về âm nhạc lẫn nội dung, chất lượng các sản phẩm âm nhạc từ đó cũng gây tranh cãi. Ca khúc đình đám Hongkong1 (Nguyễn Trọng Tài, San Ji, Double X - hơn 27 triệu views trên YouTube) lọt vào danh sách đề cử của giải thưởng Làn sóng xanh 2018 đã gây bất ngờ vì đây là ca khúc “nhạc chợ” bị tranh cãi về tính chuyên môn. Hongkong1 cũng lọt vào đề cử hạng mục Bài hát của năm trong giải thưởng Zing Music Award 2018.

Hay thời gian qua, nhiều bài hát cũng theo trào lưu đặt những cái tên nhạy cảm và dễ khiến người khán liên tưởng như: Như cái lò (Sambi và Mr.A), Như lời đồn (Bảo Anh), Đừng có mơ (Erik)… Các ca khúc này đã tạo nên một “làn sóng” tranh cãi từ cả khán giả lẫn giới chuyên môn.

Theo nhạc sĩ Dương Khắc Linh, nhạc underground hay nhạc rap có sự mới lạ vì nghệ sĩ có thể tự do thể hiện cá tính, nói lên suy nghĩ của bản thân để chia sẻ với khán giả. Âm nhạc của loại hình này mang tính đời sống, không quá cầu kỳ trau chuốt. Sự mới lạ này kích thích tò mò của khán giả và dần được yêu thích bởi khán giả luôn thích điều mới. Sự phát triển này mang tính tự nhiên giúp âm nhạc Việt Nam trở nên đa dạng, phong phú và nhiều màu sắc hơn.

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho hay, nghệ thuật là nơi để nghệ sĩ bộc lộ quan điểm của mình và gu thưởng thức của khán giả thì thay đổi theo từng thời điểm, từng mùa. Do đó, có thể thời điểm này, khán giả thích những bài hát không quá trau chuốt về nội dung, thậm chí có ca từ phản cảm hay gây tranh cãi nhưng thời gian tới, không ai biết trước chuyện gì sẽ xảy ra. “Có thể sang năm, người ta lại thích nghe những bài thơ hơn, đẹp hơn. Chúng ta không thể bắt ai phải nghe cái này hay cái kia, nhạc nào cũng có thời của nó. Nghệ thuật không thể nói cái này nên hay không nên, vì đó là quyền của họ”, nhạc sỹ Dương Khắc Linh nhận định.

Trong khi đó, nhạc sĩ Minh Châu đánh giá, sự đổi chiều của nhạc Việt là điều tất yếu nhưng sự phát triển hiện nay của nhạc Việt lại đang hỗn loạn và thiếu sự đồng bộ.

Nhạc sỹ Minh Châu phân tích, một thị trường âm nhạc phát triển là khi tất cả các dòng nhạc đều cùng phát triển, thậm chí có thể nâng đỡ nhau, nhưng ở Việt Nam lại hoàn toàn đối lập. Không chỉ vậy trong những năm qua, dù nhìn qua có thể thấy nhạc Việt đã đa dạng thể loại và phong phú hơn, nhưng lại kém đi về chất lượng nội dung.

“Nhiều bài nội dung nghèo nàn, thậm chí ngữ pháp cũng không chuẩn. Hình thức âm nhạc chỉ là chiếc áo, nội dung mới là “cơ thể”. Nội dung sơ sài, thiếu sâu sắc và xa rời thực tế đang tràn ngập trên thị trường, thậm chí được sáng tác từ những nhạc sĩ được mệnh danh là “phù thủy tạo hit”. Đáng buồn là khán giả hiện nay vẫn nhiều người nghe nhạc vì tò mò, adua nên những ca khúc như vậy mới có đất sống”, nhạc sĩ Minh Châu nhận xét.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.