Sạt lở ngày càng nghiêm trọng
Cách đây vài ngày, UBND huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đã phải huy động nhân lực, vật lực khẩn trương khắc phục đoạn sạt lở lớn tại cồn Phú Đa, thuộc Tổ 15, ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình.
Hiện trường một vụ sạt lở ở ĐBSCL.
Cụ thể, vào trưa 9/11, một đoạn đường đê bê tông dài 70m của cồn Phú Đa ven sông Cổ Chiên bị sụp lún, đất lở hoàn toàn. Sạt lở ăn sâu vào bên trong 10m.
Vụ sạt lở làm nước từ sông Cổ Chiên tràn qua đê, gây ngập 2 căn nhà và khoảng 2ha vườn cây ăn trái của 2 hộ dân lân cận.
Đó chỉ là một trong số nhiều vụ sạt lở vẫn đang diễn ra thường ngày tại khu vực ĐBSCL.
Tại tỉnh Cà Mau, đoạn từ cống Kênh Mới hướng về Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 1,5km.
Hiện nay, đoạn đê này đai rừng còn rất mỏng, có điểm đã sạt lở đến chân đê, gây nguy hiểm đến thân đê.
Nếu không có giải pháp bảo vệ sớm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khu di tích Đá Bạc, khu dân cư tập trung vàm Đá Bạc, vùng ngọt hóa diện tích 500ha…
Còn tại Tiền Giang, thời gian qua, sạt lở bờ sông Ba Rài trên địa bàn các xã Cẩm Sơn và Hội Xuân (huyện Cai Lậy) làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều đoạn của huyện lộ 54B và 54C. Trong đó nhiều điểm sạt lở lấn sâu đến tận nhà dân, giao thông bị chia cắt.
Tỉnh An Giang và Đồng Tháp cũng là 2 địa phương đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu có tổng số điểm sạt lở nghiêm trọng nhiều nhất khu vực ĐBSCL.
Qua khảo sát của các cơ quan chức năng, chỉ tính riêng tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), từ năm 1985-2020, diện tích đất bị sạt lở hơn 180ha, trung bình mất khoảng 4,8ha/năm.
Thi công một công trình chống sạt lở ở Cần Thơ.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, ĐBSCL có khoảng 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài 610km. Trong đó, 127 điểm đặc biệt nguy hiểm với chiều dài hơn 127km, 137 điểm nguy hiểm với chiều dài 193km.
Khai thác cát là một trong 6 nguyên nhân chính được các nhà khoa học chỉ ra, dẫn đến tình trạng sạt lở hiện nay. Bên cạnh đó, việc khai thác nước ngầm quá mức cũng diễn ra khá phổ biến ở vùng ĐBSCL, ảnh hưởng đến tốc độ sạt lở.
Theo Bộ TN&MT, vùng ĐBSCL hiện có 7.733 giếng khoan với công suất mỗi giếng khoảng 10m³/ngày, là một trong những nguyên nhân gây sụt lún, tác động không nhỏ tới sạt lở bờ sông, bờ biển.
Ứng phó cách nào?
Theo các chuyên gia, sạt lở có những nguyên nhân khách quan do địa chất khu vực sạt lở chủ yếu là thành phần sa bồi mềm yếu, kết cấu rời rạc, dễ bị xói trôi.
Việc xây dựng nhiều nhà ở, nhà máy, đường giao thông sát mép hoặc lấn chiếm bờ sông làm tăng cao tải trọng lên bờ sông, thậm chí làm cản trở thay đổi chế độ dòng chảy.
Tuy nhiên, vẫn có nguyên nhân là do tình trạng khai thác cát sông quá mức trong thời gian qua.
Hiện tại, nguồn cát vùng ĐBSCL đang khan hiếm và nếu tiếp tục khai thác quá mức sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy về môi trường, làm gia tăng sạt lở.
Khai thác cát trên sông Hậu.
Do vậy, sử dụng cát biển thay thế cát sông làm VLXD được xem là giải pháp hiệu quả. Vừa có nguồn vật liệu thay thế, vừa hạn chế khai thác cát sông, giảm nguy cơ sạt lở.
Theo Cục Địa chất Việt Nam (Bộ TN&MT), cát biển có ưu điểm là có thể khai thác bằng tàu công suất lớn, cơ khí hóa cao nên giá thành thấp hơn, an toàn lao động cao hơn, giảm thiểu việc xây dựng cơ sở hạ tầng, việc xử lý, bồi hoàn môi trường sau khai thác.
Tuy nhiên, với nhu cầu làm cốt liệu xây dựng (vữa và bê tông) thì việc sử dụng cát biển phải được nghiên cứu ở từng mỏ để đề ra giải pháp xử lý đáp ứng theo yêu cầu của cốt liệu được nêu trong các tiêu chuẩn quốc gia.
Mới đây, tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn (Kỳ họp thứ 4, Quốc hội), các đại biểu đã đặt vấn đề về vật liệu mới thay thế cho cát sông. Nếu dùng cát biển làm vật liệu thay thế cát sông có thể sẽ hạn chế được sạt lở ở ĐBSCL.
Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, đang nghiên cứu cát biển làm vật liệu thay thế cát sông, các nghiên cứu bước đầu cho thấy kết quả rất khả thi.
Thời gian vừa qua, khi kiểm tra tiến độ triển khai dự án đường cao tốc tại ĐBSCL, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ TN&MT nghiên cứu vật liệu thay thế cho cát sông khi triển khai dự án giao thông trọng điểm.
Hiện nay, nhu cầu dùng cát sông làm vật liệu cho xây dựng công trình giao thông là rất lớn. Và các doanh nghiệp xây dựng đang thiếu cát nền phục vụ xây dựng.
Qua nghiên cứu, hiện nay, tổng nhu cầu dùng cát để làm vật liệu cho công trình giao thông ở ĐBSCL chiếm tới 39 triệu m3, trong khi khu vực ĐBSCL chỉ có khoảng 26 triệu m3. Như vậy số lượng vật liệu để làm cát nền còn thiếu rất lớn.
Theo Bộ trưởng GTVT, việc nghiên cứu cát biển thay thế cát sông là nhu cầu cấp thiết. Và hiện đang được triển khai quyết liệt, lấy mẫu, làm xét nghiệm.
Bước đầu thấy rằng, nếu dùng cát biển thay cho cát sông thì riêng khu vực ĐBSCL lượng cát biển có thể lên 150 tỷ triệu m3. Nếu thành công, lượng cát này dùng được cho cả nước.
Theo Chiến lược quốc gia phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, các giải pháp chống sạt lở bờ sông, bờ biển đã được đề cập gồm: tăng cường quản lý nhà ở ven sông, ven biển làm gia tăng nguy cơ sạt lở, di dời nhà ở, công trình xây dựng trái phép bảo đảm ổn định lâu dài.
Đồng thời quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm. Tổ chức xây dựng công trình chỉnh trị và công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển. Ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó có việc nghiên cứu vật liệu mới để thay thế cát.
Tổ chức trồng, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển; tăng cường hợp tác quản lý nguồn nước và xây dựng hồ chứa thượng nguồn đối với các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông…
Hiện tại, vùng ĐBSCL cần thêm khoảng 8.200 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp 76 điểm sạt lở. Các tỉnh, thành có chi phí dự kiến chống sạt lở cao là: Kiên Giang 14.700 tỷ đồng để triển khai 200 công trình; Cần Thơ đã hoàn thành đầu tư 10 dự án kè chống sạt lở với chiều dài gần 18,5km, kinh phí 2.639 tỷ đồng.
Còn Bạc Liêu cần hơn 19.200 tỷ đồng để thực hiện Đề án Phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, được chia làm 2 giai đoạn thực hiện từ nay tới năm 2030…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận