Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP HCM) phát biểu tại Quốc hội ngày 20/11 |
Thông qua nghị quyết
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đồng tình về sự cần thiết và đề nghị QH thông qua Nghị quyết tại kỳ họp này về Đề án đổi mới chương trình SGK. Bởi chương trình SGK hiện nay bộc lộ nhiều bất cập, không đáp ứng được nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Trong khi đề án trình QH lần này đã chuyển hướng từ dạy chữ thuần túy sang phát triển năng lực học sinh, chú trọng đến dạy các kỹ năng, thực hành... Tuy nhiên, nhiều ĐB cũng chỉ rõ những điểm còn hạn chế để hoàn thiện đề án.
ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP HCM) cho rằng, cùng với đề án đổi mới chương trình SGK, cần có thêm hai đề án nữa để bảo đảm thành công, đó là đề án về hoàn thiện cơ sơ vật chất và đội ngũ giáo viên. “Đây là hai yếu tố tiên quyết để thực hiện thành công đổi mới chương trình SGK. Vì vậy, Bộ cần báo cáo cách thức, kinh phí để thực hiện đề án này nhằm giúp QH có cái nhìn tổng thể trước khi thông qua. Phải đầu tư cho đội ngũ giáo viên cả về trình độ và đời sống thì họ mới yên tâm giảng dạy”, bà Trang đề nghị.
ĐB Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) cho rằng, chủ trương thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK là hướng đi phù hợp với xu thế của giáo dục hiện đại, tránh độc quyền. Tuy nhiên, tất cả các bộ sách do tổ chức, cá nhân và cả Bộ GD&ĐT viết đều phải qua Hội đồng quốc gia, thẩm định công khai. Đồng thời có quy định, giải pháp để các trường có tiêu chí lựa chọn sách vào giảng dạy.
Còn theo ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), Chính phủ chưa làm rõ việc xây dựng đội ngũ giáo viên, yếu tố quyết định để thực hiện thành công việc đổi mới chương trình SGK. “Đội ngũ giáo viên, vai trò của người thầy là quyết định, phải chuyển hướng mạnh mẽ. Vì vậy phải chú trọng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ này. Muốn thế phải thay đổi chương trình đào tạo giáo viên hiện nay của các trường sư phạm. Bảo đảm đời sống để thầy cô chuyên tâm với nghề”, ĐB tỉnh Tây Ninh đề nghị.
Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) góp ý, đổi mới chương trình không phải là đổi mới tri thức mà là đổi mới cách tiếp cận tri thức. Vì vậy, cần phân định rõ chương trình ở các cấp, nguyên tắc chuẩn mực khi biên soạn để đảm bảo tính khoa học và tính tiếp thu.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhận xét, trong 17 ĐB đã góp ý cho đề án, cơ bản thống nhất thông qua nghị quyết tại kỳ họp này, đồng thời, nhất trí chủ trương sử dụng nhiều bộ SGK. Trong đó, Bộ GD&ĐT chủ động biên soạn một bộ để kiểm soát được quá trình đổi mới và phải công khai quá trình thẩm định SGK. “Ủy ban TVQH tiếp thu ý kiến ĐB và sẽ cùng ban soạn thảo chỉnh sửa để xem xét thông qua nghị quyết vào cuối kỳ họp”, Phó Chủ tịch QH nói.
Không có lợi ích nhóm khi làm đề án
Trước đó, trong phần giải trình, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận cho biết, qua thực tiễn những lần làm sách trước đây, lực lượng tham gia biên soạn chương trình SGK không nhiều do yêu cầu rất cao về khoa học, chưa kể, thời gian tập trung cho việc viết sách dài, nhiều người không có điều kiện tham gia, vấn đề đãi ngộ cho người viết sách chưa thỏa đáng...
Thậm chí, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, dự báo lần này lực lượng làm SGK còn ít hơn do triển khai theo cách làm mới, cách tiếp cận năng lực, chứ không như những lần trước là truyền thụ kiến thức.
“Phương án Chính phủ giao cho Bộ GD&ĐT chủ động biên soạn một bộ sách đồng thời khuyến khích biên soạn các bộ sách khác là để Chính phủ chủ động ứng phó với bất cứ tình huống nào xảy ra”, ông Luận nói và khẳng định: Tuyệt nhiên không có tính cục bộ, lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm khi triển khai đề án. Phương án xã hội hóa viết SGK do chính Bộ GD&ĐT đề xuất, Chính phủ thảo luận quyết định trình QH.
Liên quan đến lo ngại về việc Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn sách, thẩm định sách dễ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Trong lịch sử, Bộ GD&ĐT chưa bao giờ trực tiếp viết SGK và cũng sẽ không trực tiếp viết SGK.
Việc viết SGK, biên soạn chương trình là do các nhà giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia tham gia. Bộ chỉ tổ chức bộ máy vận hành, phát hiện, lựa chọn nhân sự, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quá trình biên soạn, thẩm định, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho nhóm viết sách… Việc thẩm định do một Hội đồng bao gồm các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia.
“Những vị này do nhiều cơ quan như Bộ GD&ĐT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam… giới thiệu. Danh sách Hội đồng thẩm định này sẽ được Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực thông qua. Đây là hội đồng độc lập, không gồm các cán bộ của Bộ GD&ĐT để thẩm định, kể cả bộ sách do Bộ viết. Hội đồng hoạt động theo quy chế riêng, đảm bảo khách quan, độc lập”, ông Luận nói và cho biết, căn cứ kết luận của Hội đồng thẩm định quốc gia này, Bộ sẽ quyết định cho phép lưu hành những bộ sách đạt tiêu chuẩn yêu cầu.
Bình Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận