Sử dụng, quản lý tài sản công còn bất cập, gây lãng phí
Sáng 31/10, thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng, nhìn đâu cũng thấy lãng phí và thất thoát.
Vị đại biểu đoàn Bình Thuận nhấn mạnh việc mua sắm ô tô thực hiện nhiệm vụ hiện nay còn rất nhiều bất cập, vô hình trung không đảm bảo tiết kiệm.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận)
Theo đại biểu Thông, Nghị định 04 năm 2019 của Chính phủ về tiêu chuẩn với tiêu chuẩn, định mức mua sắm ô tô, quy định Văn phòng UBND cấp huyện chỉ mua được một xe ô tô với mức giá không quá 720 triệu đồng. Trong khi đó, công việc ở địa phương, ở cơ sở rất nhiều, một xe không đáp ứng được yêu cầu.
Hơn nữa, với mức giá 720 triệu đồng như hiện nay chỉ mua được xe một cầu, không thể đi công tác ở các vùng sâu, vùng xa, vùng núi. Thực tế hiện nay các địa phương phải thuê xe để đi công tác, với chi phí khá cao, như vậy chưa là tiết kiệm mà còn lãng phí.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, theo quy định không được mua ô tô mới mà phải sử dụng lại ô tô cũ chưa hết đát, nhưng lại được chi sửa chữa hàng năm với số tiền không nhỏ. Hay quy định mỗi sở, ngành cấp tỉnh chỉ được sử dụng 1 xe ô tô công, cán bộ đi công tác phải thuê xe tư nhân.
"Tiết kiệm là đúng nhưng tiết kiệm quá mức chưa hẳn là hiệu quả. Tiết kiệm để tích lũy cho đầu tư, phát triển, chứ không phải tiết kiệm là giảm chi tiêu những thứ cần, ngại mua sắm, chi nhỏ giọt", đại biểu Hoà cho hay.
Đồng thời, vị đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng chỉ ra sự lãng phí khi công trình chờ vốn, vốn chờ công trình; Việc sử dụng tài sản công, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ của bộ, ngành T.Ư, địa phương chưa đúng quy định, sai mục đích, lãng phí, trụ sở trống ít người ở, có nơi xây dựng trụ sở rất to, hoành tráng nhưng công năng cho công vụ lại hạn chế; Tình trạng hội họp của các cơ quan công quyền không giảm mà lại có chiều hướng gia tăng...
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng)
Nguồn lực về nhà cửa và đất đai đang bị lãng phí rất lớn
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho biết, nguồn lực về nhà cửa và đất đai đang bị lãng phí rất lớn, đây cũng là vấn đề có tính nhạy cảm cao, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây ra nhiều hệ lụy liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách. Qua các vụ án gần đây liên quan đến cán bộ quản lý nhà nước đều có bóng dáng công tác quản lý nhà đất.
Đại biểu Tạo lấy dẫn chứng: Theo phụ lục báo cáo kết quả giám sát có 28.000 ha, 900 dự án, công trình chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng, nhiều dự án lớn có vướng mắc, đất để hoang hoá gây lãng phí…
Trong khi chính sách, pháp luật đất đai còn nhiều bất cập, trong đó có những vấn đề về thị trường bất động sản, bất động sản du lịch, xác định giá trị quyền sử dụng đất, quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, tình trạng phân lô bán nền, đầu cơ đất đai, không đưa đất đai vào sử dụng đúng mục đích và thời gian quy định nhưng không được xử lý kịp thời, chưa tạo ra động lực để đưa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp vào sử dụng gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng đất nông lâm trường, công ty nông lâm nghiệp cần phải được quan tâm hơn. Sau khi Quốc hội giám sát vấn đề này vào năm 2018, hiện nay tuy có chuyển biến nhất định nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc.
Thực tế vẫn tiếp tục phát sinh khiếu nại, tố cáo, trong đó có những trường hợp khiếu khiếu kiện đông người liên quan đến đất nông lâm trường tại các địa phương.
Do đó, đại biểu đề nghị cần nhấn mạnh trong Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội; đồng thời cũng là một trong những nội dung cần được quan tâm trong quá trình sửa đổi Luật đất đai trong thời gian tới theo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW.
Đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) cũng phản ánh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là lĩnh vực đất đai là lĩnh vực nóng sốt, nhạy cảm, phức tạp nhưng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan lại chưa được đồng bộ, còn nhiều vấn đề còn tồn tại, dễ phát sinh tiêu cực, lãng phí.
Từ đó nhấn mạnh, điều quan trọng nhất hiện nay là nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật có liên quan để bổ sung những còn thiếu sửa đổi, khắc phục những khiếm khuyết tồn tại trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đồng quan điểm, đại biểu Chau Chắc (đoàn An Giang) cho biết, nhiều nơi trên cả nước còn tình trạng thiếu đất sản xuất, trong khi đó tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng, khai thác đất đai vẫn còn tồn tại như dự án treo chậm tiến độ, sai phạm.
Thực trạng quản lý đất đai, đường nông thôn, sông suối, đất bãi bồi sông ngòi ven biển ở nhiều nơi, nhất là vùng nông thôn còn thiếu chặt chẽ, còn để bị lấn chiếm, thất thoát tài sản công, ảnh hưởng cuộc sống của người dân.
Đại biểu Chau Chắc đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương điều tra, rà soát, quản lý chặt chẽ trong phạm vi toàn quốc để tránh thất thoát, lãng phí tài sản công, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân nông thôn, góp phần thực hiện tốt 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia đã đề ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận