Vận tải

Sứ mệnh lịch sử đội bay xuyên lục địa đầu tiên của Vietnam Airlines

04/09/2017, 07:02

Vietnam Airlines vừa hoàn tất quá trình bán và bàn giao 4 chiếc Boeing 777-200ER cuối cùng...

49

Lao động Việt Nam trở về từ điểm nóng Libya trên chuyến bay của Vietnam Airlines

Nối Việt Nam với châu Âu

Nói về đội bay Boeing 777, Phó tổng giám đốc TCT Hàng không VN Phan Xuân Đức, đồng thời cũng là cơ trưởng kỳ cựu của dòng máy bay Boeing cho biết, đây chính là đội bay “nối Việt Nam với châu Âu”. “Kể từ tháng 4/2003, Vietnam Airlines bắt đầu tiếp nhận và đưa vào khai thác chiếc máy bay Boeing 777 đầu tiên thuộc dòng 777-200ER”, ông Đức nói và cho biết thêm, đây là dòng máy bay thân rộng hiện đại nhất, đồng thời cũng là lựa chọn tốt nhất để bay thẳng sang châu Âu vào thời điểm đó.

"Việc đưa vào khai thác đội bay Boeing 777-200ER từ năm 2003 đã giúp Vietnam Airlines trở thành một trong những hãng hàng không đầu tiên trong khu vực sở hữu đội máy bay Boeing thân rộng tầm xa hiện đại nhất thời điểm đó. Đội bay đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của Hãng hàng không Quốc gia, tạo những dấu ấn nổi bật nhất trong một giai đoạn phát triển dài suốt gần 15 năm qua."

Ông Phan Xuân Đức
Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines

Thực tế, hoạt động của đội bay Boeing 777 gắn liền với các dấu mốc quan trọng trong việc phát triển mạng bay chiến lược tầm trung, xa và xuyên lục địa của Vietnam Airlines. “Boieng 777 đã giúp Vietnam Airlines hiện thực hóa kế hoạch bay thẳng đến châu Âu, nối liền Hà Nội/TP HCM với Thủ đô Paris (Pháp) vào năm 2003. Sau Pháp, đội bay này tiếp tục “chinh phục” các đường bay thẳng đến Nga (2004), Đức (2005), Anh (2011)”, ông Đức cho biết.

Cùng với việc đưa vào khai thác đội bay Boeing 777, Vietnam Airlines cũng có thay đổi mang tính bước ngoặt khi quyết định thay biểu tượng “cánh cò vầng trăng” sang “bông sen vàng”.

Tính đến nay, đội bay Boeing 777-200ER của Vietnam Airlines đã thực hiện gần 101 nghìn chuyến bay an toàn, vận chuyển gần 22,9 triệu lượt hành khách, trên 16 đường bay quốc tế tới 7 quốc gia (Pháp, Nga, Đức, Anh, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và đường bay nội địa giữa Hà Nội/TP HCM. Trong suốt gần 15 năm khai thác, đội bay Boeing 777 không ghi nhận bất kỳ tai nạn nào, góp phần vào 20 năm an toàn bay của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam.

Là một trong những cơ trưởng đầu tiên “chinh phục” dòng tàu bay này, ông Phan Xuân Đức cho biết, việc chuyển từ dòng Boeing 767 sang Boeing 777 của Vietnam Airlines với các phi công cũng giống như đang đi xe Honda “lên đời” xe Toyota. Tương tự như vậy, hiện nay, khi Vietnam Airlines quyết định thay thế đội bay Boeing 777 thành Boeing 787, các phi công lại tiếp tục được chuyển từ Toyota lên Mercedes. “Không nói đến độ sang của máy bay mà chính là công nghệ ưu việt của dòng máy bay mới đáp ứng nhu cầu phát triển “vươn biển lớn” của hãng hàng không”, ông Đức nói.

50

Vietnam Airlines hoàn tất bán và bàn giao 4 chiếc Boeing 777-200ER

Đội bay của những sứ mệnh lịch sử

Đội bay Boeing 777 không chỉ song hành cùng Vietnam Airlines trên các đường bay thẳng đến châu Âu mà còn cùng với doanh nghiệp này thực hiện trách nhiệm xã hội của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam. Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Đức cho biết, một trong những nhiệm vụ mang tính lịch sử mà đội bay Boeing 777 đã thực hiện là tham gia vào chiến dịch giải cứu hành khách bị kẹt do núi lửa phun trào ở châu Âu năm 2010.

Ngày 14/4/2010, ngọn núi lửa ở Iceland phun trào dữ dội. Tro bụi bao phủ nhiều khu vực ở miền Bắc châu Âu, khiến ngành hàng không thế giới tê liệt. Thực tế, do ảnh hưởng của khói bụi núi lửa, các hãng hàng hàng không thế giới đã hủy hơn 63.000 chuyến bay, tổn thất 150 triệu euro mỗi ngày. Lệnh cấm bay được áp đặt lên hầu hết các nước châu Âu sau khi núi lửa trên đảo Iceland phun trào, đưa khói bụi và hơi nước lên bầu trời của nhiều nước ở châu lục này. Nhà chức trách hàng không lo ngại rằng, các hạt bụi li ti khi lọt vào trong động cơ sẽ bị nóng chảy và làm hư hại động cơ máy bay.

“Chỉ trong 5 ngày đầu tiên núi lửa phun trào, Vietnam Airlines đã phải hủy hơn 20 chuyến bay từ Việt Nam đi Đức, Pháp, Nga và ngược lại. Ước tính có khoảng 6.400 hành khách bị mắc kẹt tại sân bay. Trong đó, có hơn 1.200 khách Pháp, 621 khách Đức và 313 khách Nga, số còn lại là hành khách đi từ Việt Nam. Một chiếc Boeing 777 của Vietnam Airlines cũng phải nằm tại sân bay châu Âu vì không thể cất cánh”, ông Đức nhớ lại và cho biết, ngay sau khi bầu trời châu Âu mở cửa trở lại sau 5 ngày gián đoạn, đêm 20/4/2010, Vietnam Airlines đã triển khai ngay kế hoạch phục hồi 24 chuyến bay đã bị hủy.

“Ngay trong ngày 20/4, chúng tôi đã thực hiện thành công 6 chuyến bay đi/đến Pháp và Nga để nhanh chóng giải cứu hành khách. Thực tế, chúng tôi đã mất khoảng 5 ngày với tổng cộng 24 chuyến bay để vận chuyển hết khoảng 6.400 hành khách nhỡ các chuyến bay”, ông Đức cho biết thêm.

Cũng về những sứ mệnh mà đội bay Boeing 777 từng đảm nhận, đáng kể nhất là những ngày tháng lịch sử thiết lập cầu hàng không giữa Việt Nam và Ai Cập, Tunisia năm 2011, vận chuyển hơn 3.000 lao động về nước an toàn suốt hơn 1 tuần trong chiến dịch giải cứu lao động của Việt Nam khỏi khu vực xung đột ở Libya. “Giải cứu nhanh nhất lao động Việt Nam tại Libyba, Vietnam Airlines đã nhanh chóng lên kế hoạch thực hiện các chuyến bay đến TP Djerba (Tunisia) để đón người lao động Việt Nam đã sơ tán từ Libya sang đây về nước”, ông Đức nói và cho biết thêm, đây là sân bay gần nhất, cách biên giới Libya khoảng 100km về phía Tây. Được biết, chuyến bay đầu tiên giải cứu lao động Libya do đích thân ông Đức trực tiếp làm cơ trưởng.

Để tăng cường công tác đảm bảo sức khỏe cho hành khách, Vietnam Airlines bố trí bác sỹ đi trên các chuyến bay và tăng thêm cơ số thuốc dự phòng. Ngoài ra, để hỗ trợ công dân Việt Nam tại các nước lân cận Libya hồi hương, Vietnam Airlines đã thành lập các tổ công tác đặc biệt do các Phó tổng giám đốc chỉ đạo, đồng thời tăng cường thêm các đoàn công tác gồm các cán bộ hàng không dày dạn kinh nghiệm tới các nước Bắc Phi khác (Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ...) để thực hiện nhiệm vụ. Toàn bộ chiến dịch hồi hương người lao động Việt Nam tại Libya được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Phạm Ngọc Minh, khi đó còn là Tổng giám đốc (hiện là Chủ tịch HĐQT TCT).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.