Chuyện dọc đường

Sự ngang ngược trên Biển Đông

23/07/2019, 15:50

Việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất vào Bãi Tư Chính nằm trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động ngang ngược.

img
Khu vực nhà giàn DK1 trong đó có Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam. Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất vào khu vực này là vi phạm công ước quốc tế. Ảnh minh họa.

Trong những ngày tháng 7 này, việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất vào Bãi Tư Chính nằm trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam chỉ có thể gọi một cách ngắn gọn là hành động ngang ngược.

Trung Quốc cho rằng vùng đặc quyền kinh tế ở đây của Việt Nam chồng lấn với đường chín đoạn Trung Quốc tuyên bố là “vùng nước lịch sử” của mình.

Thực tế, đường chín đoạn của Trung Quốc không được ai công nhận ngoài Trung Quốc.

Tòa án Trọng tài Quốc tế năm 2016 cũng đã ra phán quyết “Không có cơ sở pháp lý nào cho việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền lịch sử đối với các tài nguyên trong các vùng biển nằm trong 'đường chín đoạn'. Toà nhận thấy, không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây".

Mặc dù Trung Quốc cố tình không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc có có sở pháp lý cho hành động này.

Lại càng không thể nói đây là vùng tranh chấp để ngang nhiên vào thăm dò địa chất với lập luận Việt Nam làm được thì Trung Quốc cũng làm được.

Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Giả sử Trường Sa là khu vực tranh chấp, thì các đảo ở Trường Sa cũng không có vùng đặc quyền kinh tế để Trung Quốc có thể dựa vào đó nói bừa rằng Bãi Tư Chính nằm trong khu vực tranh chấp và Trung Quốc cũng có quyền thăm dò và khai thác như Việt Nam.

Như vậy, mọi lập luận để nói rằng đây là vùng tranh chấp đều là ngụy biện.

Trong khi đó, một điều hiển nhiên mà Trung Quốc cố tình phớt lờ là bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được công ước quốc tế về luật biển 1982 thừa nhận.

Nhìn lại lịch sử thấy rõ Trung Quốc đã từng bước thôn tính Biển Đông. Từ chỗ dùng vũ lực đánh chiếm các đảo của Việt Nam thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa các năm 1954, 1974, 1988, Trung Quốc chuyển sang “đánh chiếm” trên bản đồ khi trình Liên hợp quốc yêu sách đường lưỡi bò 9 đoạn vào năm 2009. Trung Quốc gọi đây là vùng nước lịch sử dựa trên bản đồ của Trung Quốc.

Đường 9 đoạn thực chất lúc đầu là 11 đoạn xuất hiện trong phụ lục "Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải" của "Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa Dân Quốc" do Cục Phương vực Bộ Nội chính Trung Hoa Dân Quốc phát hành năm 1948. Trong suốt 60 năm sau khi bản đồ này xuất hiện cả chính phủ CHDCND Trung Hoa lẫn chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đều không có giải thích gì cho đường 11 đoạn này của mình.

Chỉ đến lúc Trung Quốc chuẩn bị cho bước tiếp theo thôn tính biển Đông, Trung Quốc mới lần đầu tiên đưa ra giải thích về đường 11 đoạn này (Lúc này đã được bỏ 2 đoạn trong vịnh Bắc bộ thành đường 9 đoạn. Năm 2014 sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển Việt Nam, Trung quốc công bố bản đồ dọc trong đó bổ sung một đoạn thành đường 10 đoạn).

Năm 2014, Trung Quốc đưa Giàn khoan 981 vào khoan thăm dò gần quần đảo Hoàng Sa tranh chấp với Việt Nam là một hành động leo thang căng thẳng nhưng vẫn chưa là gì so với lần này khi Trung Quốc ngang nhiên cho tầu Hải dương Địa chất vào thăm dò ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh việc mở rộng tranh chấp, Trung Quốc còn tăng cường hiện diện quân sự trên biển Đông đặc biệt là việc xây dựng các đảo nhân tạo trên cơ sở các bãi đá ngầm trên Biển Đông, với những sân bay lớn cho máy bay quân sự và đưa cả tên lửa ra các đảo nhân tạo này.

Trung Quốc luôn kêu gọi không làm phức tạp tình hình, nhưng tình hình phức tạp như hiện nay là do ai tất cả đều thấy rõ! Đây là hành động ngang ngược và là bước leo thang vô cùng nguy hiểm của Trung Quốc ở biển Đông.

Lúc này, Việt Nam và cộng đồng quốc tế cần cùng có tiếng nói khẳng định: Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền của các quốc gia nếu Trung Quốc thực sự muốn thành cường quốc và có uy tín với thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.